Thoát nghèo nơi thâm sơn

31/08/2015
(VBSP News) Thoát nghèo vốn đã là bài toán rất khó với nhiều địa phương, càng khó hơn gấp bội lần đối với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi thâm sơn này, câu chuyện giảm nghèo không chỉ đơn thuần là có vốn...

Thoát nghèo nơi thâm sơn

Từ chuyện của Trời…

Chắc hẳn những ai yêu quý vẻ đẹp của miền Ngựa thần ải Y Tý, huyện Bát Xát hay thị trấn trong mây Sapa thuộc tỉnh Lào Cai đều không thể quên được hình ảnh những cánh rừng thảo quả bị chết lụi sau đợt tuyết và sương muối gây ra hồi đầu năm cho người dân vùng đất này. Hay mới đây nhất, cơn lũ ống lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 17 người và làm thiệt hại hơn 2.200 tỷ đồng về tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm cho đồng bào Quảng Ninh, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo…

“Thiên” không “thời” là vậy. “Địa” cũng không phải nơi nào cũng “lợi” cho đồng bào. Nậm Chạc - xã vùng biên khó khăn nhất của huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai) có 510 hộ dân, gồm dân tộc Mông, Dao và Giáy sinh sống. Nậm Chạc nghèo bởi địa hình đồi núi trọc khô cằn, giao thông kém phát triển, tập tục lạc hậu… nên cứ vào mùa giáp hạt (từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm), Chính phủ vẫn phải trợ cấp gạo cứu đói cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương… Và còn rất nhiều nơi khác như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… bà con chỉ quen trông vào sản phẩm chính là ngô. Ngô được trồng trong những hốc đá, ngô mọc cheo leo giữa lưng chừng núi… và có lẽ chỉ như vậy thôi cũng đủ để nhận thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Còn nữa, chưa kể đến việc do lạc hậu, dân trí thấp nên không ít đồng bào còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước… vì thế vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ bám riết họ từ đời này qua đời khác… Đơn cử như ông Ksor Huyl, huyện La Grai (Gia Lai) - người có sức lao động, có đất sản xuất nhưng lại không muốn thoát nghèo. Mặc dù, cán bộ NHCSXH nhiều lần đến tận nơi thuyết phục và địa phương nơi ông sinh sống đã triển khai nhiều chương trình cho hộ nghèo vay vốn để cải tạo vườn, phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo nhưng ông từ chối tất cả những cơ hội này vì nghĩ rằng đó là chuyện của Nhà nước, của Chính phủ…

… đến chuyện của người

Khó khăn là thế, gian nan là thế nhưng bài toán thoát nghèo cho đồng bào vẫn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Nhất là đối với cán bộ NHCSXH - những người được Chính phủ giao phó trọng trách sát cánh cùng bà con trong cuộc chiến chống đói nghèo. Họ - những cán bộ tín dụng luôn mang trong mình lòng nhiệt tình vô bờ bến, “cõng vốn” vượt suối, băng đèo đến với từng hộ đồng bào ở tận những nơi thâm sơn cùng cốc. Vận động, tuyên truyền, thuyết phục, rồi cầm tay chỉ việc để đồng bào biết sử dụng đồng vốn làm ra thóc, gạo, trâu bò, cải thiện cuộc sống. Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Trần Duy Đông hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Vận động bà con vay vốn, rồi phối hợp các đơn vị khác tìm ra cây, con giống phù hợp cho bà con sản xuất đã khó nhưng đến kỳ đòi nợ thì còn khó hơn nhiều. Nhà đồng bào ở cách xa nhau lại thường xuyên đi rẫy nên muốn gặp chỉ còn cách “vào nhà Trưởng bản, mổ vài con gà, mua vài chai rượu…” mới nhanh chóng tập hợp được các khách hàng đặc biệt này…

Gia đình anh Lý Văn Nhánh trước đây thuộc diện nghèo nhất vùng núi đá khô cằn thuộc thôn Lũng Hoài, xã Hạ Thôn huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Nhớ lần đầu khi được vay vốn của NHCSXH, vợ anh đã “cất” cẩn thận trên gác bếp chỉ đến khi cán bộ tín dụng đến hỏi, vợ chồng anh lại lật đật đi tìm… Vậy mà hai năm nay, sau lần “vay rồi để đấy”, gia đình anh đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương nhờ 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi cùng với sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật nuôi bò sinh sản và thâm canh 2ha ngô lai trên đồi đất dốc…

Còn nhiều câu chuyện thoát nghèo có một không hai vẫn đang hiện hữu trên khắp nẻo núi rừng. Từ những câu chuyện giản dị ấy, từ những đồng vốn chính sách ấy, hàng chục năm qua, hàng nghìn lượt hộ nghèo là đồng bào DTTS đã vượt qua ngưỡng nghèo; hàng nghìn lao động DTTS được đào tạo nghề và có việc làm cùng nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ đồng bào DTTS được vay vốn học tập… và cũng chính họ là những nhân tố tích cực đang làm ngắn đi khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi.

Bài và ảnh Bình Nhi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác