Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
Nơi khởi nguồn chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo
Chính thức đến năm 2015 này, các chương trình tín dụng chính sách đã được thực hiện trên đất nước ta tròn 20 năm. Sự ra đời của các chương trình cùng việc thành lập NHNg đến NHCSXH là cả một quá trình chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm của những người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, viên chức đầy tâm huyết với sự nghiệp ngân hàng. Đó là những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam còn là một trong số quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo, đói cao, khoảng 59% (theo số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, trong đó tình trạng thiếu vốn sản xuất đứng ở vị trí hàng đầu. Cùng với đó, lĩnh vực tín dụng bao gồm tín dụng Ngân hàng và tín dụng Nhà nước đều do hệ thống Ngân hàng thương mại quốc doanh quản lý và cho vay với những phương thức, thủ tục không khuyến khích được người nghèo tiếp cận vốn vay.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như bản thân những người làm ngân hàng nhận thấy đất nước cần có một tổ chức tín dụng đặc thù chuyên biệt dành cho người nghèo và tách hẳn tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại. Nguyện vọng chính đáng đã thôi thúc các cơ quan cùng bắt tay nghiên cứu, xây dựng và phát triển một mô hình tổ chức tín dụng phù hợp nhất với bối cảnh và điều kiện kinh tế của Việt Nam thời điểm những năm 1990.
Từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo
Bắt đầu từ tháng 3/1995, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (NHNNoVN) khởi xướng cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (NHNTVN) góp vốn xây dựng Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo.
Chủ trương trên đã được Thống đốc NHNN chấp thuận và 3 đơn vị ngân hàng ủng hộ, góp vốn với tổng số tiền ban đầu là 400 tỷ đồng, đồng thời thống nhất giao cho NHNoVN quản lý, thực hiện cho hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại và không phải thế chấp tài sản.
Vạn sự khởi đầu nan, dù chỉ qua 5 tháng triển khai cho vay từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, nhưng đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân đón nhận và đã có gần 500 nghìn hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc được vay vốn phát triển sản xuất. Song do thực tế nguồn vốn của Quỹ quá nhỏ, 400 tỷ đồng, còn số hộ nghèo cần vay vốn lại quá lớn, khoảng 4 triệu hộ, nên đã xảy ra tình trạng cho vay chia đều, trải mỏng, thậm chí có nơi mỗi hộ nghèo chỉ được vay trên dưới 200 nghìn đồng. Hiệu quả của chương trình vì thế chưa được thể hiện rõ rệt.
Đến NHNg
Trước những thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội và để khắc phục những hạn chế của Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo xuất phát từ quan điểm mới của Đảng, Nhà nước đối với chính sách giảm nghèo, trong đó có tín dụng cho người nghèo là cần tăng cường nguồn lực, tập trung huy động các nguồn vốn lớn để phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN, những nhà quản lý ngành Ngân hàng như TS. Cao Sĩ Kiêm - Thống đốc NHNN Việt Nam, các ông Phạm Văn Thực, Nguyễn Văn Dễ - Tổng Giám đốc các Ngân hàng thương mại…; đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) khi đó đã nêu ý tưởng về thành lập một Ngân hàng Chính sách thuộc sở hữu Nhà nước chuyên phục vụ hộ nghèo.
Sau khi trực tiếp đi thực tế nắm bắt nguyện vọng của các địa phương và quần chúng lao động, đồng thời lắng nghe những ý kiến, báo cáo của một số Bộ, ngành, của NHNN, của NHNo&PTNT, ngày 31/8/1995 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 525/TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Từ đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thêm một tổ chức tín dụng phục vụ hộ nghèo; trên đất nước ta cũng xuất hiện một chương trình tín dụng chính sách đầu tiên tham gia vào công cuộc giảm nghèo vì an sinh xã hội. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNg hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chuyên phục vụ các hộ nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn sản xuất và thực hiện phương thức cho vay trực tiếp đến hộ nghèo với lãi suất ưu đãi, người vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện để có thể hoàn trả vốn vay (cả gốc lẫn lãi) đúng hạn đã cam kết.
Việc thành lập NHNg cùng sự ra đời chương trình tín dụng chính sách đầu tiên ở nước ta vào cuối tháng 8/1995 là một trong nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN. Có thể nói đây là một giải pháp hợp lòng dân, thể hiện chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng. Vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Theo báo cáo, sau 7 năm hoạt động (1995 - 2002), tổng nguồn vốn của NHNg đạt 7.083 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tăng trưởng trên cơ sở bàn giao từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo là 518 tỷ đồng, đã góp phần giúp cho trên 644 nghìn hộ thoát nghèo. Con số đó không chỉ phản ánh hoạt động hiệu quả của NHNg mà còn khẳng định vai trò và sự cần thiết của một kênh tín dụng chính sách riêng biệt hỗ trợ tài chính cho hộ nghèo.
Theo TS. Hà Thị Hạnh - nguyên Tổng Giám đốc NHNg 7 năm liền và Tổng Giám đốc NHCSXH đầu tiên, tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững NHCSXH góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”tháng 9/2014: Ưu điểm lớn nhất của mô hình NHNg là tiết kiệm chi phí quản lý, không phải tuyển dụng, đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất từ TW đến cấp huyện mà sử dụng toàn bộ trụ sở, phương tiện, con người có sẵn của NHNo&PTNT để tác nghiệp. Tuy nhiên, mô hình tổ chức quản lý này cũng gặp quá nhiều vướng mắc, hạn chế nhất là sự hoạt động thực chất như một Quỹ ưu đãi, việc điều hành tác nghiệp giao cho NHNo&PTNT đảm nhận, công tác tổ chức Hội đồng quản trị theo hình thức kiêm nhiệm không phân rõ trách nhiệm, cán bộ Ngân hàng thương mại thiên về kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến tín dụng hộ nghèo…
Sự ra đời của NHCSXH
Thêm một lần quan trọng nữa, trước yêu cầu của tiến trình hội nhập, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, từng bước tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, đồng thời căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các nhà quản lý điều hành, các chuyên gia nghiên cứu, hoạch định chính sách trong, ngoài ngành ngân hàng đã tư vấn cho NHNN lập Đề án trình Chính phủ về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của NHCSXH tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại ngân hàng.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị về mọi mặt, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 131/2002/TTg thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại NHNg để thực hiện Nghị định 78 nhằm tập trung các nguồn vốn ngân sách tài trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vào một đầu mối là NHCSXH, cụ thể là cho vay hộ nghèo, tạo việc làm, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay làm nhà trả chậm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên…
Tập trung huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối
Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành ở TW, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nhận dịch vụ uỷ thác cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó của thế hệ cán bộ NHCSXH đầu tiên nên nhiều công việc như thiết lập hệ thống quy chế điều hành, quy trình nghiệp vụ tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cho việc triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thông suốt, không bị gián đoạn cùng với sự hoàn thành việc nhận bàn giao tài sản, các chương trình cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT, cho vay GQVL từ Kho bạc Nhà nước, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương Việt Nam và các nguồn vốn ngân sách địa phương, với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Không những tiếp nhận và duy trì tốt các chương trình tín dụng bàn giao, NHCSXH còn triển khai khá bài bản thành công các chương trình tín dụng chính sách khác, nhờ đó qua chặng đường hơn 12 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã được Chính phủ và chính quyền các địa phương tin tưởng giao thêm nhiều chương trình tín dụng và uỷ thác nhiều nguồn vốn để cho vay các đối tượng chỉ định từ Chương trình có quy mô nhỏ (cho vay đối với người tàn tật, cho vay lao động sau cai nghiện, cho vay thí điểm làm chòi tránh lũ…) đến những chương trình có quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NS&VSMTNT, HSSV, giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…
Với quyết tâm tập trung huy động các nguồn lực tài chính cùng với nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, liên tiếp các năm sau, NHCSXH được tiếp nhận thêm nhiều nguồn vốn từ nhiều nơi trong nước, ngoài nước, để đến cuối năm 2012, kết thúc kế hoạch 10 năm lần thứ nhất, NHCSXH thực hiện đến 14 chương trình sử dụng vốn trong nước, 4 chương trình sử dụng vốn uỷ thác nước ngoài… với tổng dư nợ đạt 113.921 tỷ đồng tăng gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 32,8%/năm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành ở TW, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, NHCSXH đã nỗ lực tập trung được nguồn lực khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, triển khai thực hiện có hiệu quả trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết tháng 6/2015, tổng nguồn vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, tăng 6.278 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ đạt trên 136.000 tỷ đồng. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,42%/tổng dư nợ. Vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 6,6 triệu công trình NS&VSMTNT, hỗ trợ 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 700 chòi tránh lũ, trên 102 nghìn ngôi nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng Sông Cửu Long…
Đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách
Song song với thực hiện mục tiêu tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức, quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đó là mạng lưới hoạt động của NHCSXH đã được xây dựng từ TW đến tỉnh, huyện với 63 chi nhánh, cấp tỉnh, 626 Phòng giao dịch cấp huyện. Nhờ có mạng lưới rộng lớn cho nên trong thời gian chưa dài nhưng NHCSXH đã tập trung được nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn và tiết kiệm.
Mạng lưới có độ che phủ rộng lớn của NHCSXH còn được thể hiện ở gần 11 nghìn Điểm giao dịch tại xã. Có thể khẳng định, hiện tại NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới Điểm giao dịch trải khắp trên toàn quốc xuống tận các xã, làm điều kiện tiên quyết để xóa tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước. Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH còn tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo, bà con dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách của Nhà nước.
Trên con đường phát triển, NHCSXH còn có bộ máy quản trị từ TW đến địa phương được tổ chức với những nét độc đáo khác hẳn với các Ngân hàng thương mại. Chủ tịch HĐQT là Thống đốc NHNN. Ban đại diện HĐQT do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban. Các thành viên còn lại đều là đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội. Thời gian qua, bộ máy quản trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, cho chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng của Đảng và Nhà nước, gắn kết với chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội.
Cùng với đó, bộ máy điều hành tác nghiệp của NHCSXH ngày càng được củng cố, đạt trình độ chuyên môn cao. Từ chỗ chỉ có 498 cán bộ từ NHNo&PTNT chuyển sang ban đầu (năm 2003) đến nay, NHCSXH đã có trên 9.000 cán bộ. Chính đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách tâm huyết này suốt những năm tháng qua đã không chỉ chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc, chính quyền, hội, đoàn thể địa phương kiên quyết đổi mới quy trình, thủ tục và phương thức cấp tín dụng, thực hiện uỷ thác vay vốn chính sách thông qua 4 hội, đoàn thể, thành lập mạng lưới gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn cả nước.
Sau 12 năm triển khai thực hiện, đến nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên đã thực hiện các công việc ủy thác đối với trên 98% dư nợ của NHCSXH. Các tổ chức hội, đoàn thể đã tổ chức thành lập, quản lý, chỉ đạo hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn thành mạng lưới “chân rết” vững chắc chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Những thành tựu nổi bật và vị thế vững vàng
Cuộc hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi vì an sinh xã hội ở nước ta đã tròn 20 năm, kể từ năm 1995 do NHNg - tiền thân của NHCSXH đảm nhận đã thu được những thành tựu nổi bật là tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, đồng thời vừa mở rộng, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trìnhh tín dụng chính sách. Thành tựu này được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Cùng với đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước”. Đặc biệt, khi đến thăm và làm việc với NHCSXH đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng và những kết quả đạt được đáng ghi nhận của NHCSXH trong hơn 12 năm qua. Điều này đã góp phần vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong cả nước, làm tăng lòng tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Chính phủ. Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình cũng đã khẳng định không thể phủ nhận vai trò to lớn của NHCSXH trong vai trò xoá đói, giảm nghèo và chưa ở đâu trên thế giới có mô hình phục vụ cho người nghèo tốt như ở Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ và của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống, NHCSXH đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, khẳng định vị thế của nguồn vốn chính sách, xứng đáng được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2013 và nhiều phần thưởng cao quý, danh hiệu thi đua lớn lao khác…).
“Trong thời gian tới, toàn hệ thống NHCSXH sẽ tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 và Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tập trung huy động vốn, tăng trưởng nguồn vốn để phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đổi mới, sáng tạo không ngừng, ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đắc lực vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội”, đó là phát biểu khẳng định của Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ NHCSXH Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những kỷ niệm không quên
- » Đồng vốn tiếp sức đúng lúc
- » Khi người dân biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Sức bật mới giúp hộ cận nghèo vươn lên
- » Cho vay giải quyết việc làm - đòn bẩy hỗ trợ người lao động
- » Hướng đi thoát nghèo ở vùng quê ven đô thị
- » Hà Tĩnh sẵn sàng vốn giải ngân cho năm học mới
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phép màu giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp
- » Những câu chuyện thoát nghèo ở Kon Tum