Hướng đi thoát nghèo ở vùng quê ven đô thị

24/08/2015
(VBSP News) Nhờ vị trí cận kề với thành phố, khu công nghiệp lớn của tỉnh, lại có đồng đất màu mỡ phù sa nên việc sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm của nông dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) khá thuận lợi nhưng vùng quê bên con sông Thương này vẫn còn đến trên 12% tỷ lệ hộ nghèo vào thời điểm năm 2011. Tính chung, cứ 100 hộ dân ở huyện Yên Dũng thì có 13 hộ thuộc diện nghèo. Đặc điểm nổi bật của hộ nghèo đây là thiếu vốn sản xuất, do vậy không đủ khả năng xây dựng, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao cũng như không khai thác được lợi thế về đất đai, vị trí thuận lợi để thoát nghèo bền vững.
Vốn ưu đãi đã giúp chị Nguyễn Thị Huệ phát triển chăn nuôi

Vốn ưu đãi đã giúp chị Nguyễn Thị Huệ phát triển chăn nuôi

Từ thực trạng đó, lãnh đạo huyện đã đẩy mạnh tìm phương thức hay, mở hướng đi đúng cho bà con. NHCSXH vào cuộc, hỗ trợ đắc lực người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện với nguồn vốn ưu đãi. Tính đến nay, dư nợ cho vay từ NHCSXH huyện Yên Dũng đạt trên 240 tỷ đồng. Toàn địa bàn có khoảng 138 nghìn dân sinh sống thì đã có tới gần 13 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân huyện Yên Dũng đã chủ động, tự tin hơn trong việc lựa chọn mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa và thâm canh vườn rau, trồng đỗ, đậu, ngô lai; đồng thời gắn việc sử dụng vốn vay của NHCSXH với đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, trong đó đáng kể đến những xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn như Tân Liễu, Yên Lư, Đồng Việt, Lão Hộ… đã thu kết quả cao trong năng suất cây trồng và tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm. Đơn cử ông Lê Thế Khanh ở thôn Thượng, xã Đồng Việt vốn có rất ít đất đai canh tác, nghề nghiệp không ổn định cuộc sống gian truân, thiếu thốn nhưng thông qua sự hướng dẫn, giúp đỡ của Hội CCB xã, gia đình ông Khanh đã được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ đầu năm 2012 để đầu tư nuôi bò sinh sản. Từ đó, cuộc sống của CCB già dần được cải thiện.

Cũng ở xã Đồng Việt, chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Nam thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm, con thơ dại, chỉ biết trông vào 3 sào đất ruộng cấy lúa đủ ăn. Hơn 3 năm trước, chị Huệ được Hội Phụ nữ thôn bình xét vay vốn của NHCSXH để xây chuồng trại, mua lợn giống tốt về chăn nuôi. Hiện tại, gia đình chị có 8 con lợn thịt, 100 con gà đồi. Năm ngoái nhờ thu nhập từ chăn nuôi cho thu nhập trên 60 triệu đồng, chị đã trả được 30 triệu vốn vay của ngân hàng.

Chủ tịch UBND xã Đồng Việt Vũ Văn Kính, cho biết: Hiện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của xã được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đúng hướng, thúc đẩy sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng quê có đất đai màu mỡ, nhất là tăng năng suất các loại sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm mới, vươn lên thoát nghèo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương đã phối hợp, tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền để người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả và nêu cao ý thức trả nợ, trả lãi, tự nguyện gửi tiền tiết kiệm, triển khai hiệu quả công tác tín dụng chính sách trên địa bàn nông thôn.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác