Cho vay giải quyết việc làm - đòn bẩy hỗ trợ người lao động
Từ năm 2010, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết ở xóm Báy, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi được vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế gia đình gồm trồng rừng, chăn nuôi, trồng màu cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Gia đình chị luôn thực hiện trả lãi đúng thời hạn. Năm 2014, hết chu kỳ vay vốn gia đình chị đăng ký vay lại 100 triệu đồng mở rộng ngành nghề. Không chỉ đem lại thu nhập khá, mô hình kinh tế tổng hợp của chị còn tạo việc làm cho 10 - 15 lao động nông nhàn làm theo thời vụ. Trường hợp của chị Tuyết chỉ là một trong hàng nghìn hộ vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả đồng vốn ưu đãi.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình Vũ Đình Đoài, cho biết: Trong quá trình triển khai, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTB-XH, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm 2015 đến nay, doanh số cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt gần 8 tỷ đồng với 648 lượt khách hàng vay. Ðể đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân, thời gian qua, ngoài nguồn vốn do TW cấp, chi nhánh còn tích cực chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể thu hồi vốn đã đến hạn, từ đó tạo ra nguồn vốn cho vay quay vòng. Đến nay, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 67 tỷ đồng với 3.067 khách hàng còn dư nợ. Nhờ thực hiện có hiệu quả, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho gần 6.000 lao động. Chương trình đã góp phần quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm, có tác động làm thay đổi nhận thức về việc làm cho chính người lao động. Tuy nguồn vốn vay không nhiều nhưng có vai trò là “đòn bẩy”, kích thích và hỗ trợ kịp thời cho người lao động để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Thời gian qua cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo chương trình quốc gia có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Nhìn chung các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất. Hiệu quả của nguồn vốn vay giải quyết việc làm thì đã rõ, tuy vậy theo tìm hiểu nguồn vốn cho vay còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm. Trên thực tế, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân ngày càng tăng cao, trong khi đó nguồn vốn vay từ chương trình rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp. Theo quy định, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và hộ gia đình là 20 triệu đồng/hộ, song số cơ sở được vay phổ biến vẫn là mức vay vài chục triệu đồng cho đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình trong khi với số tiền cho vay này lại phải đảm bảo tối thiểu thu hút 1 lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn ít. Nhu cầu vốn hiện tại của người dân là rất lớn, tuy nhiên với nguồn vốn từ Quỹ việc làm TW thì rất hạn hẹp và từ năm 2011, NHCSXH tỉnh không được cấp thêm, mà chỉ cho vay quay vòng từ hơn 60 tỷ đồng được cấp từ những năm trước.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm lãi suất một số chương trình tín dụng tại NHCSXH, theo đó lãi suất chương trình giải quyết việc làm xuống còn 6,6%/năm. Đây là một tín hiệu rất vui đối với hộ dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn.
Bài và ảnh Đinh Thắng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hà Tĩnh sẵn sàng vốn giải ngân cho năm học mới
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phép màu giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp
- » Những câu chuyện thoát nghèo ở Kon Tum
- » Khấm khá từ đồng vốn chính sách
- » Hội Phụ nữ xã Krông Pa quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
- » Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại Bà Rịa - Vũng Tàu
- » Khởi sắc ở vùng đất khó Đăk Pơ
- » Đưa vốn đến đồng bào Khmer
- » Sẻ chia gánh nặng nuôi con ăn học