Khi người dân biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay

24/08/2015
(VBSP News) Trong những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) có cuộc sống ổn định hơn, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn toàn huyện.
Anh Hà Ngọc Ngô đang chăm sóc cặp trâu từ vốn vay ngân hàng

Anh Hà Ngọc Ngô đang chăm sóc cặp trâu từ vốn vay ngân hàng

Là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%, trong thời gian qua, NHCSXH huyện Chợ Mới đã triển khai tốt những chính sách tín dụng hướng tới giảm nghèo bền vững và phục vụ an sinh xã hội. Ngân hàng luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận các nguồn vốn vay, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường cán bộ xuống địa bàn để xác minh, hướng dẫn các đối tượng lập thủ tục vay vốn chính sách để đầu tư cho sản xuất, giảm nghèo.

Đến nay toàn huyện có 16 Điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn, với 221 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết tháng 6/2015, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Chợ Mới đạt gần 200 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt hơn 58%, giúp đỡ trên 6.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn thuận lợi phát triển kinh tế. Đặc biệt, thông qua hoạt động giao dịch tại xã, đơn vị đã tổ chức giao ban với cấp ủy, chính quyền địa phương, với hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ hơn hoạt động của NHCSXH và tính ưu việt trong chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, NHCSXH huyện còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền, đoàn thể hướng dẫn tận tình các hộ vay vốn cách thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả và lồng ghép với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, nâng cao thu nhập, tạo việc làm mới cho người dân.

Điển hình như gia đình anh Hà Ngọc Ngô, dân tộc Tày ở thôn Nạ Mây, xã Đồng Hà trước đây thuộc diện nghèo khó nhất vùng. Năm 2010, anh Ngô được vay 30 triệu đồng đầu tư ngay vào nuôi trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cặp trâu của nhà anh khoẻ mạnh, lớn nhanh. Anh Ngô cho biết, nếu việc chăn nuôi thuận buồm xuôi gió thì trong năm nay gia đình anh sẽ trả được nợ ngân hàng và có dư tiền sửa sang căn nhà ở 3 gian.

Hay như hộ gia đình anh Nguyễn Trọng Tiến ở thôn Tài Chang, xã Bình Văn. Được vay 30 triệu đồng, anh dành 10 triệu đồng làm chuồng trại để nuôi lợn rừng và lợn ta. Với 20 triệu đồng còn lại, anh lên tận huyện Pác Nặm để mua giống lợn rừng, vào huyện Na Rì để mua giống lợn ta. Những lứa lợn đẻ đầu tiên, anh để lại nuôi và chọn con tốt bán lợn giống. Chỉ sau một năm, kinh tế gia đình anh Tiến đã dần ổn định và tới năm 2012 thì thoát được nghèo. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, anh Tiến đã tìm đến nhiều trang trại để học hỏi kinh nghiệm. Các hộ nghèo trong xã, trong thôn có nhu cầu nuôi lợn đều được anh bán dưới dạng cho vay không lãi. Hiện ở xã Bình Văn, ngoài gia đình anh Tiến nuôi nhiều lợn nhất, còn một số gia đình ông Ma Phúc Tạch, thôn Bản Mới; gia đình ông Nguyễn Tiến Khoan ở thôn Thôm Bó đều phát triển chăn nuôi hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi…

Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Mới Hoàng Văn Hậu, cho biết: Những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương đã cùng phối hợp giải ngân vốn vay ưu đãi kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH huyện luôn chú trọng đến công tác kiểm tra sử dụng nguồn vốn vay nhằm nắm bắt, đánh giá chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư, do vậy các hộ vay đều trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn. Nguồn vốn ưu đãi thực sự làm “đòn bẩy” cho vùng đất cửa ngõ ở vùng cao Bắc Kạn tiến hành giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Lê Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác