TỪ NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO ĐẾN NHCSXH: Một công cụ đắc lực bảo đảm an sinh xã hội
TS. Đỗ Quế Lượng cho biết, ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành Quyết định số 525/TTg cho phép thành lập NHNg. Kết quả hoạt động và những ưu điểm nổi bật của NHNg sau hơn 7 năm là nền tảng để ngày 04/10/2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 131/QĐ-TTg thành lập NHCSXH.
Phóng viên: Thưa ông, căn cứ vào lý do gì để cách đây 20 năm, Đảng, Nhà nước lại có chủ trương thành lập NHNg?
Trả lời: Vào thời điểm năm 1993 - 1995, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, giải pháp để hỗ trợ người nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Khi đó các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như chương trình 134, 135… đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó với lĩnh vực tín dụng thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo&PTNTVN) đã có Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo. Ngân hàng Công thương Việt Nam khi đó nhận nhiệm vụ cho HSSV nghèo vay vốn.
Với hàng loạt chương trình Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện để tiến tới mục tiêu XĐGN đã mang lại hiệu quả và thế giới cũng công nhận chúng ta đã trở thành nước có nhiều thành tựu trong XĐGN.
Tuy nhiên, với nhiều chương trình hỗ trợ như vậy, cũng đã có những lo ngại về việc phân tán nguồn lực XĐGN. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu xem có giải pháp nào tốt hơn để hỗ trợ, phục vụ công tác XĐGN với gợi ý nên thành lập một Ngân hàng để cho người nghèo vay vốn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã triệu tập một cuộc họp với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan là: Bộ KH&ĐT, Tài chính, NNo&PTNT, NHNN… và đi đến ký Quyết định 525/TTg ngày 31/8/1995 cho phép thành lập NHNg. Cũng chỉ sau đó một ngày (01/9/1995), NHNg chính thức được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-NH5 của Thống đốc NHNN Việt Nam.
Phóng viên: Là Chủ tịch HĐQT đầu tiên của NHNg, ông có những cảm xúc gì?
Trả lời: Thành lập gấp như thế nên tôi là người đứng đầu ngân hàng cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, việc thành lập NHNg là vấn đề cấp thiết và cấp bách để cho vay XĐGN. Với suy nghĩ như vậy nên các thành viên trong HĐQT là đại diện các Bộ, ngành ai cũng hồi hộp. Bởi công việc của chúng tôi không đơn thuần là hoạt động ngân hàng thông thường mà nghĩ tới hỗ trợ, giúp đỡ nông dân nghèo nên có cái gì đó rất tình cảm và cũng vui với công việc của mình. Chính vì vậy, khi mới thành lập không phải họp theo định kỳ mà cứ có việc cần bàn bạc là phải họp, có khi tháng họp vài lần và có thể họp liên tiếp vài ngày, thông báo là họp thôi. Những người đầu tiên tham gia HĐQT đều tham gia rất tự nguyện, thoải mái.
Phóng viên: NHNg phải trải qua những khó khăn nào, thưa ông?
Trả lời: Cũng khá nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đều nỗ lực vượt qua. Thứ nhất, về cơ chế tài chính. Vốn điều lệ ngân sách cấp cho NHNg khi mới thành lập (năm 1995) là 500 tỷ đồng. Vay NHNN 100 tỷ đồng, NHNo&PTNT Việt Nam 100 tỷ đồng, NHNT Việt Nam 200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2002, kết thúc 7 năm hoạt động, vốn điều lệ của NHNg là hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong thời gian hoạt động chúng tôi tiếp tục tìm cơ chế huy động vốn phù hợp. Một số nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Banglades… cho vay phục vụ người nghèo nông thôn cũng với lãi suất thị trường, điều quan trọng với họ là hỗ trợ người nghèo không phải vay với lãi suất “cắt cổ” bên ngoài. Tuy nhiên, với Việt Nam thì không được vì Đảng và Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ người nghèo và cho vay với người nghèo thì phải làm tốt hơn nữa. Và chúng tôi đề xuất phương án là huy động vốn nhưng ngân sách không có tiền cấp thì cấp bù lãi suất. Ví dụ, khi đó nếu các NHTM cho vay thông thường với lãi suất 7%/năm thì cho vay nông dân nghèo chỉ 4%/năm, trong khi huy động vốn đã là 5%/năm, Nhà nước phải cấp bù 1%. Và cứ 6 tháng được cấp bù một lần.
Khó khăn thứ hai là trụ sở và nhân sự cho NHNg. Chúng tôi đã bàn và thống nhất phải cần sự hỗ trợ từ NHNo&PTNT. Nhiều chi nhánh đã san sẻ trụ sở cho chúng tôi, đội ngũ cán bộ ban đầu của NHNg cũng được lấy từ NHNo&PTNT. Yêu cầu đặt ra là cán bộ chuyển về NHNg phải đảm bảo chất lượng. Nhưng cán bộ lại băn khoăn, sang NHNg quyền lợi bị giảm xuống. Chúng tôi kiến nghị và được Chính phủ đồng ý là lương cho cán bộ NHNg bằng hoặc có thấp thì thấp hơn chút ít so với lương cán bộ NHNo&PTNT. Sau một thời gian hoạt động, tâm lý số anh, chị em chuyển sang làm việc tại NHNg đã ổn định. Về sau này, số lượng, chất lượng cán bộ được nâng cao hơn khi NHNg chuyển thành NHCSXH.
Phóng viên: Về cơ chế hoạt động và đối tượng được vay vốn được xác định thế nào, thưa ông?
Trả lời: Khác với NHTM là lãi suất cho vay theo thị trường, còn NHNg thì cơ chế phải rõ ràng do được cấp bù lãi suất từ ngân sách. Đối tượng cho vay là người nghèo. Tôi nhớ có thời điểm Bộ LĐTB-XH quy chuẩn thu nhập dưới 50kg gạo/hộ là nghèo. Khi cho vay, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể để thực hiện tránh không đúng đối tượng và nợ quá hạn cũng ở mức rất thấp.
Thấy được sự hiệu quả nên nhiều tỉnh cũng đã ưu tiên ngân sách địa phương từ 2 tỷ - 10 tỷ đồng, không lãi, chuyển cho NHNg để cho vay.
Sau thời gian hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam cứ giảm dần và được thế giới đánh giá cao. Năm 1995 tỷ lệ hộ nghèo là 22,8% và sau đó đến năm 2002 giảm xuống còn hơn 11%, trong đó có sự đóng góp của NHNg đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh nỗ lực của ngân hàng thì các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đôn đốc trả nợ, đôn đốc hướng dẫn vay vốn, vận động, giúp đỡ, bảo trợ cho hộ nghèo cũng có vai trò quan trọng. Chính điều này đã giúp cho NHNg hoạt động không bị thất thoát vốn, nợ quá hạn thấp.
Vừa cho vay, vừa vận động tiết kiệm và đã ra đời Tổ tiết kiệm và vay vốn từ đây. Hộ nào thiếu vốn thì ngân hàng cho vay, thừa vốn thì gửi vào ngân hàng. Đến nay Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc bình xét cho vay, thu lãi, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc ngân hàng và hướng dẫn bà con cùng nhau sử dụng vốn hiệu quả.
Phóng viên: Ông có chia sẻ gì khi NHCSXH ngày càng lớn mạnh?
Trả lời: Sau 7 năm NHNg hoạt động, đến năm 2002 thì hoạt động của NHNg được gộp vào từ các quỹ, tăng thêm đối tượng cho vay và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời ra Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại NHNg. Chuyển sang NHCSXH thì đối tượng cho vay ngày càng rộng hơn. Có trung tâm đào tạo, trụ sở xây dựng ở TW, các tỉnh, thành phố, quận huyện và còn mở các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn chuyển vốn kịp thời cho bà con sản xuất kinh doanh. Nếu như trước đây mức cho vay hộ nghèo chỉ từ 1 triệu đồng và cao nhất là 7 triệu đồng thì đến nay mức cao nhất là 50 triệu đồng/hộ. Và, nợ quá hạn vẫn phát huy được truyền thống giữ được ở mức thấp. Rõ ràng, NHNg đóng vai trò lịch sử tiên phong và NHCSXH ngày nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Bình, NHCSXH đã tạo được uy tín trong sự nghiệp cho vay giảm nghèo.
Đây là một trong những kênh quan trọng. Vì vậy, tôi mong rằng, các thế hệ làm NHCSXH sau cần làm tốt hơn nhiệm vụ này và các Bộ, ngành, NHNN cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho NHCSXH để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
- » Những kỷ niệm không quên
- » VBSP tổ chức hội thảo, trao đổi nghiệp vụ với NAYOBY BANK - nước CHDCND Lào
- » Tổng Giám đốc VBSP Dương Quyết Thắng tiếp Đoàn cán bộ cấp cao NAYOBY BANK - nước CHDCND Lào sang thăm và làm việc
- » Hội nghị triển khai cho vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo và chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2
- » Dấu ấn thanh niên trên huyện đảo Cồn Cỏ
- » 311.000 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi làm nhà ở giai đoạn 2
- » Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 chương trình liên tịch giữa NHCSXH và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » NHCSXH công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc
- » NHCSXH kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ