Những kỷ niệm không quên

26/08/2015
(VBSP News) Sau một thời gian phát triển kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu - nghèo ở nước ta đã tăng lên rất nhanh và trở thành nhân tố đe dọa sự ổn định chính trị và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ giàu nghèo không thể bằng cách hạn chế làm giàu mà phải hỗ trợ cho người nghèo để họ tự vươn lên. Thực tiễn cũng cho thấy hình thức hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả nhất là cho vay vốn có thu hồi, kể cả cho vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí chỉ thu hồi lại một phần vốn đã cho vay. Năm 1995, Chính phủ đã cho phép thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg) để thực hiện loại hình tín dụng này.
Tác giả (thứ hai từ trái qua) trong một buổi kiểm tra vốn vay tại cơ sở

Tác giả (thứ hai từ trái qua) trong một buổi kiểm tra vốn vay tại cơ sở

Chỉ mấy năm sau khi thành lập, NHNg đã phát triển với tốc độ rất cao. Rồi Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 được ban hành. Khoản 3, Điều 4 của Luật quy định: “Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã cho thành lập Tổ Chuyên gia liên ngành gồm một số Thứ trưởng và cán bộ cấp vụ của các Bộ, ngành liên quan có nhiệm vụ xây dựng cơ chế hoạt động và mô hình tổ chức quản lý loại hình tín dụng chính sách.

Tổ Chuyên gia liên ngành được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ), tôi - Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được cử làm Tổ trưởng và anh Hoàng Nghĩa Tứ - Chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ phụ trách nhóm biên tập. Trong Tổ Chuyên gia liên ngành có đại diện của các Bộ khác nhau, đại diện cho các mối quan tâm khác nhau nên chúng tôi phải thảo luận rất nhiều để đạt được sự đồng thuận, tìm được tiếng nói chung trong việc giúp đỡ cho người nghèo được nhiều nhất. Bởi nghèo đói sẽ dẫn đến bất ổn chính trị và khi chính trị - xã hội không ổn định thì kinh tế cũng không thể phát triển được! Đối với những vấn đề mà các thành viên của Tổ Chuyên gia liên ngành không thể nhất trí được với nhau, chúng tôi đều báo cáo xin ý kiến quyết định của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong quá trình xây dựng Đề án, chúng tôi được thừa hưởng những kinh nghiệm phong phú của nước ta về các phương thức quản lý khác nhau đối với tín dụng XĐGN. Trong những năm 1986 - 1992, Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Ngân hàng thương mại quốc doanh, cho các tổ chức kinh tế và dân cư thuộc vùng núi cao, hải đảo, vùng đồng bào Khmer sống tập trung vay vốn với lãi suất ưu đãi. Năm 1993, thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo và đến năm 1995, thành lập NHNg nằm trong hệ thống NHNo&PTNT. Chúng tôi cũng nghiên cứu những mô hình tương tự của các nước và đã chắt lọc các kinh nghiệm quý báu của thế giới để vận dụng sát với thực tiễn để khai thác tối đa lợi thế của hệ thống chính trị nước ta.

Khi thảo luận về các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, bên cạnh những thành viên của Tổ Chuyên gia liên ngành đề nghị mở rộng thêm số đối tượng mới thì cũng có những thành viên yêu cầu giữ nguyên hoặc thu hẹp bớt. Trong dự thảo trình Chính phủ, chúng tôi chỉ kể ra những đối tượng đang được hưởng chính sách ưu đãi theo các văn bản hiện hành của Nhà nước; đồng thời, soạn thêm một khoản để ngỏ: “Các đối tượng khác khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Vì thế, mặc dù trong những năm vừa qua, đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đã thay đổi khá nhiều nhưng vẫn phù hợp với những quy định trong Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trước đây, việc tranh thủ nguồn vốn ngân sách địa phương cho tín dụng XĐGN cũng đã được đặt ra, nhưng vì số vốn đó cũng được ngân hàng cho vay theo cơ chế chung, nên đã không khuyến khích sự đóng góp của các địa phương. Khi xây dựng cơ chế mới, chúng tôi đã đề xuất thay hình thức “đóng góp” bằng hình thức “ủy thác”, tức là khi địa phương tiết kiệm được ngân sách thì ủy thác cho ngân hàng cho vay theo cơ chế ưu đãi riêng của địa phương. Lúc đầu, cũng có thành viên Tổ Chuyên gia liên ngành không đồng tình với quan điểm này vì lo ngại phá vỡ mất sự thống nhất của cơ chế chung. Nhưng dần dần chúng tôi cũng thống nhất được với nhau, bởi mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của cơ chế, chính sách là huy động được nhiều nguồn vốn nhất cho công cuộc XĐGN. Thực tế những năm vừa qua đã cho thấy cách thức huy động vốn mới này không những đã khuyến khích các địa phương có điều kiện mà ngay cả các địa phương còn khó khăn cũng cố gắng tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng XĐGN.

Việc đặt tên cho tổ chức ngân hàng mới cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Trong bản dự thảo ban đầu, chúng tôi vẫn giữ lại tên cũ là NHNg và đưa ra xin ý kiến trong các cuộc Hội nghị được tổ chức tại 5 vùng trong cả nước. Trong các cuộc họp ở vùng Đông và Tây Nam Bộ, nhiều đại biểu tha thiết đề nghị thay tên cũ vì cho rằng dân Nam Bộ rất “kỵ” với chữ nghèo. Họ kể rằng, cứ đến dịp đầu năm mới, NHNg tặng lịch cho các hộ nghèo, nhưng bị các hộ từ chối vì họ không muốn treo “cái nghèo” trong nhà mình. Tôi cũng được nghe anh em kể câu chuyện vui về chuyến công tác vào miền Tây của anh Phạm Văn Thực và anh Hoàng Nghĩa Tứ (cán bộ của Tổ Chuyên gia tư vấn NHNg). Trên đường công tác, các anh ghé lại một quán ăn bên đường. Các anh vừa ngồi vào bàn thì chị chủ quán đến gần lễ phép nói: “Năm mới, các chú đã đến rồi thì con mời các chú dùng bữa, lần sau xin các chú đi quán khác”. Hai anh rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao. Lúc về đến nhà mới nghĩ ra, trên áo của các anh mặc lúc đó có in tên của NHNg (!) Người ta sợ khách mang “cái nghèo” đến nhà hàng!

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Tổ Chuyên gia liên ngành trình bày dự thảo văn bản cuối cùng, Thường trực Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của chúng tôi đặt tên cho tổ chức mới là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Lúc đầu, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng muốn giữ lại tên cũ vì nó chỉ rõ mục đích của ngân hàng là phục vụ cho người nghèo và nó cũng đã được thế giới biết đến. Tuy nhiên, sau khi nghe Tổ Chuyên gia liên ngành giải trình về ý nghĩa của tên gọi mới, và chúng tôi cũng không quên nhắc lại nguyện vọng của các cán bộ ngân hàng và của cả những người nghèo, cuối cùng, Thủ tướng cũng chấp nhận đề xuất của chúng tôi.

Việc xác lập mô hình hoạt động và phương thức quản lý của ngân hàng mới nhanh chóng nhận được sự tán đồng của nhiều người, bởi vì, trước khi đi đến mô hình NHCSXH, suốt 15 năm, kể từ năm 1986, thực hiện chính sách tín dụng XĐGN, chúng ta đã từng thử nghiệm hầu hết các phương thức quản lý khác nhau, đã rút ra được những bài học thành công và thất bại. Để kịp thời thích ứng với những thay đổi trong tương lại, Nghị định của Chính phủ đã quy định phương thức cho vay theo hướng đa dạng: NHCSXH trực tiếp cho vay hoặc ủy thác cho các tổ chức tín dụng hoặc ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định này đã cho phép NHCSXH, sau khi phát hiện những khiếm khuyết của phương thức ủy thác toàn phần cho NHNo&PTNT, đã chuyển hướng kịp thời sang ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội. Tư tưởng về một cơ chế mở, linh hoạt đề ra trong Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã giúp anh chị em NHCSXH sau này đã sáng tạo ra Điểm giao dịch tại xã, hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội, đưa hoạt động của ngân hàng về tận cơ sở xã, phường.

Việc ai làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của NHCSXH cũng được đặt ra trong quá trình thảo luận xây dựng Đề án. NHNg trước đây nằm trong NHNo&PTNT, do một Phó Thống đốc NHNN làm Chủ tịch, nay đã được tách ra và trở thành một ngân hàng riêng, phạm vi hoạt động rất rộng và có các mối quan hệ ràng buộc với nhiều cấp, nhiều ngành, nên người đứng đầu cần có vị trí cao hơn. Qua nhiều lần thảo luận, Tổ Chuyên gia liên ngành thống nhất đề xuất với Chính phủ cử một Bộ trưởng (hoặc là Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thống đốc NHNN) làm Chủ tịch HĐQT. Và, Chính phủ đã chọn phương án Thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT NHCSXH.

Có được cơ chế, chính sách rồi, nhưng việc tổ chức thực hiện quả thật khó khăn, gian khổ. Nói NHCSXH tách ra từ NHNo&PTNT, nhưng thực tế, ngân hàng này phải xây dựng lại từ đầu. Thiếu cán bộ và thiếu cả phương tiện làm việc. Rất may, những anh chị em đến với NHCSXH phần lớn là những người đã gắn bó nhiều năm với NHNg, là những người rất tâm huyết với công cuộc XĐGN. Các Bộ, ngành và các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã tạo mọi điều kiện để ngân hàng đi vào hoạt động, họ cử cán bộ vào Ban đại diện HĐQT và cả những cán bộ sang giúp điều hành công việc của ngân hàng. Nhiều nơi đã bố trí chỗ làm việc và cung cấp phương tiện hoạt động cho NHCSXH. Một không khí say sưa, phấn khởi và khẩn trương theo khẩu hiệu “vừa chạy vừa xếp hàng” đã bao trùm lên cả hệ thống NHCSXH từ TW đến địa phương.

Trong những ngày đầu khó khăn đó, NHCSXH đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Trong một lần gặp mặt thân mật anh chị em cán bộ NHCSXH, Thủ tướng đã nói vui: “Mấy đứa làm việc cho NHCSXH, cho người nghèo là tích đức cho con cháu đó!”. Ngày 11/3/2003 tại Hà Nội, NHCSXH làm Lễ khai trương hoạt động, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có mặt, cắt băng khai trương. Và đúng một tuần sau, ngày 18/3/2003, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 05/2003/CT-TTg yêu cầu các ngành, các cấp bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau một năm hoạt động, NHCSXH đã có báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Phan Văn Khải đọc rất kỹ bản báo cáo, dùng bút mực đỏ gạch chân nhiều đoạn và phê chi chít bên lề. Thủ tướng cho gọi tôi đến và bảo: “Anh nghe mấy đứa báo cáo NHCSXH vừa tách khỏi NHNo&PTNT, còn thiếu thốn nhiều thứ quá, chưa có cả nơi làm việc. Quốc Huy bàn với các Bộ xem có cách gì giúp NHCSXH”. Rồi đột nhiên, Thủ tướng hỏi: “Muốn xây dựng được hệ thống trụ sở cho NHCSXH tương đối hoàn chỉnh thì mất khoảng bao lâu?” Tôi đã thưa với Thủ tướng, hệ thống Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Thuế phải xây dựng mất từ 10 đến 15 năm, NHCSXH chắc cũng không ít hơn. Thủ tướng trầm ngâm một lúc rồi hỏi tiếp: “Có cách gì nhanh hơn không?” Và sau đó chưa đầy một tháng, ngày 16/3/2004, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg. Chỉ thị 09 đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và đã tạo bước ngoặt trong việc hình thành hệ thống cơ sở vật chất cho NHCSXH.

Cho tới hôm nay, NHCSXH đã làm đúng các yêu cầu do Chính phủ đề ra ngay từ ngày đầu thành lập và ngân hàng cũng đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế nước ta và trong lòng những người nghèo.

Nguyễn Quốc Huy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác