Đồng vốn tiếp sức đúng lúc
Theo Phòng LĐTB-XH TP. Tam Kỳ, trong 4 năm qua (2011 - 2014) đã cấp trên 12.000 thẻ bảo hiểm y tế cho cho hộ nghèo, với số tiền 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 525 căn nhà; hỗ trợ, miễn giảm học phí cho trên 28.100 em HSSV thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách; phối hợp cùng NHCSXH cho 6.529 hộ được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, chuyển giao KHKT được chú trọng. Đặc biệt, trong 4 năm qua cán bộ và nhân dân đã đóng góp, xây dựng Quỹ Vì người nghèo trên 12 tỷ đồng, riêng năm 2014 là 2,7 tỷ đồng. Theo bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐTB-XH TP. Tam Kỳ, hàng năm thành phố luôn chú trọng đến công tác điều tra khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo, dựa trên cơ sở đó chúng tôi đưa ra những biện pháp hỗ trợ thiết thực, linh hoạt để giúp dân xóa nghèo một cách bền vững. Cụ thể đối với hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế sẽ được tư vấn vay vốn, hỗ trợ phương tiện sản xuất. Còn hộ không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập thì địa phương sẽ trợ cấp bảo trợ xã hội, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đoàn thể nhận đỡ đầu. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua giảm đáng kể.
Thông qua NHCSXH tỉnh Quảng Nam, gia đình ông Nguyễn Hồng Hà ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ đã vay 30 triệu đồng để sản xuất. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình ông Hà đầu tư nuôi 2.000 con gà thịt. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc chu đáo, đàn gà phát triển tốt, sau 3 - 4 tháng thả nuôi, đạt trọng lượng xuất chuồng gần 2 kg/con. Vừa qua, gia đình ông bán 3 tấn gà thịt, đạt doanh thu 240 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hết 150 triệu đồng (gồm thức ăn 130 triệu đồng, thuốc thú y và công lao động 20 triệu đồng), gia đình còn thu lãi tới cả trăm triệu đồng. “Tôi đã có kinh nghiệm nuôi gà từ lâu, nhưng chỉ dừng lại ở mức nuôi nhỏ lẻ vì nhà nghèo thiếu vốn. Nhờ được vay vốn, gia đình đã làm ăn hiệu quả. Tích lũy vốn qua 6 năm, đầu năm 2014 tôi quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, tôi đầu tư nuôi thêm 1.000 con gà đẻ và 3 con bò lai có giá trị hơn 50 triệu đồng”, ông Nguyễn Hồng Hà phấn khởi cho hay.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng Nguyễn Văn Mười, cho biết: Không chỉ riêng ông Hà, nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho nhiều nông dân nghèo trong xã tạo dựng được nhiều mô hình kinh tế khả quan. Đó là mô hình nuôi gà, nuôi bò của gia đình ông Mai Văn Xuân ở thôn Thăng Tân; mô hình nuôi vịt, nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn Kim Thành. Để làm ăn quy mô hơn, Hội Nông dân đã vận động thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Tam Thăng và 7 tổ hợp chăn nuôi bò, nuôi gà. Các Tổ hợp tác và HTX sẽ là cầu nối đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Chúng tôi kỳ vọng sẽ được sự hợp tác nhiều hơn từ NHCSXH.
Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Đoàn Nghiêu ở xã Tam Ngọc gặp nhiều khó khăn do ông Nghiêu là người tàn tật, bị mù cả hai mắt, lại thiếu vốn sản xuất. Năm 2006, gia đình ông vay 8 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn này, gia đình ông Nghiêu đầu tư sản xuất đũa tre thủ công. “Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra khó bán… nhưng về sau tình hình ngày càng khá hơn khi đũa tre gia đình làm ra được nhiều bạn hàng chấp nhận”, ông Nghiêu chia sẻ. Sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, từ nguồn vốn nhỏ vay của NHCSXH đồng vốn sinh sôi, thu nhập lớn dần. Có vốn, gia đình mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư hai dây chuyền sản xuất đũa tre công nghiệp, giải quyết việc làm cho 20 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, ước tính doanh thu từ cơ sở sản xuất đũa tre của gia đình ông Đoàn Nghiêu lên đến 300 triệu đồng/tháng. Từ đồng vốn chính sách, cùng với nhiều nỗ lực, gia đình ông Nghiêu không những trở thành điển hình thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương.
“NHCSXH đã giúp gia đình tôi từ không có đến có thu nhập, từ thu nhấp ít đến thu nhập cao và vươn lên có tích lũy rồi làm giàu chính đáng. Đồng vốn vay chính sách quả là “phao cứu sinh” của gia đình tôi và các hộ nghèo trên địa bàn TP. Tam Kỳ”, ông Đoàn Nghiêu trải lòng cho chúng tôi biết.
Bài và ảnh Khánh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khi người dân biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Sức bật mới giúp hộ cận nghèo vươn lên
- » Cho vay giải quyết việc làm - đòn bẩy hỗ trợ người lao động
- » Hướng đi thoát nghèo ở vùng quê ven đô thị
- » Hà Tĩnh sẵn sàng vốn giải ngân cho năm học mới
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phép màu giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp
- » Những câu chuyện thoát nghèo ở Kon Tum
- » Khấm khá từ đồng vốn chính sách
- » Hội Phụ nữ xã Krông Pa quản lý tốt nguồn vốn ủy thác