Vượt lên gian khó

26/08/2015
(VBSP News) Xác định trọng tâm là vay vốn để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, Hội CCB xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) luôn phát huy phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với các giải pháp của NHCSXH tới các cơ sở vay vốn ủy thác. Nhờ đó, các hộ CCB ở xã Phương Trung đã vươn lên thoát nghèo và nhiều hộ khá giả.
Có vốn trong tay, nhiều CCB đã đầu tư phát triển chăn nuôi, mạnh dạn trồng trọt các giống mới

Có vốn trong tay, nhiều CCB đã đầu tư phát triển chăn nuôi, mạnh dạn trồng trọt các giống mới

Là 1 trong 4 tổ chức hội, đoàn thể làm công tác ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tín dụng ưu đãi, Hội CCB xã Phương Trung, huyện Thanh Oai luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, trong thời chiến là đánh thắng giặc xâm lược, còn trong thời bình là thắng “giặc nghèo”. Bởi thế, mà Hội CCB xã luôn đề cao tinh thần thi đua “CCB gương mẫu”. Theo đó, Hội đã phối hợp chặt chẽ giữa các hội viên CCB và NHCSXH huyện Thanh Oai để đưa đồng vốn đến đúng đối tượng là CCB và gia đình chính sách, sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao. Trên tinh thần bám sát hội viên, khuyến khích gắn liền với phân tích những thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, Hội CCB xã Phương Trung tập trung vào các đối tượng CCB, gia đình chính sách phát huy tinh thần vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay tại quê nhà.

Lợi thế của xã Phương Trung là nằm trên trục đường 21B xuôi Chùa Hương, di tích thắng cảnh nổi tiếng, hàng năm thu hút lượng khách tham quan rất lớn. Giao thông thuận lợi lại nằm ở ngoại thành thủ đô, một thị trường rộng lớn có sức hấp dẫn rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm nên không ngại đầu ra, chưa kể Phương Trung lại có diện tích đất canh tác nông nghiệp khá lớn, tới một nửa trên tổng số đất tự nhiên với 480ha… Toàn xã có 8 thôn với khoảng 5 nghìn hộ dân, hơn 17,2 nghìn nhân khẩu, phần lớn là lao động trẻ thì việc phát triển kinh tế hộ là rất thuận lợi.

Chủ tịch Hội CCB xã Phương Trung Phạm Đức Thịnh, cho biết: “Qua báo đài, tôi được biết ở miền Bắc còn rất nhiều thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Nếu so sánh với các vùng đó, thì Phương Trung có quá nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp hoặc nghề phụ để giảm nghèo, mà nhiều xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa chỉ dám mơ !”.

Sau 5 năm thực hiện công tác ủy thác vay vốn tín dụng chính sách, dư nợ cho vay thực hiện qua Hội CCB xã Phương Trung đã tăng mạnh. Nếu như năm 2010 dư nợ do hội quản lý chỉ là 700 triệu đồng với 7 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện cho vay 96 hộ gia đình hội viên thì đến hết 2014 dư nợ đã lên tới 5,86 tỷ đồng, với 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp cho 465 hộ gia đình chính sách và 50 hội viên CCB vay vốn phát triển kinh tế.

Có đồng vốn, nhiều hội viên đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt các giống mới hoặc đầu tư cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao như các mô hình trồng bưởi lai, trồng nấm, mộc nhĩ, chăn nuôi bò sinh sản, lợn thịt. Một số hội viên khác đầu tư máy móc thiết bị mở xưởng mộc, sản xuất chế biến đồ gỗ… Nhờ đó, mà xã Phương Trung đã xuất hiện thêm những “nhân tố mới” các hộ hội viên như: CCB Phạm Văn Mộc, thương binh 2/4; CCB Phạm Văn Giáp; Phạm Văn Đích, thương binh 2/4 trồng nấm, trồng mộc nhĩ; CCB Trần Trí Quyết, Lê Như Hoa nuôi lợn nái và bò thịt; CCB Hoàng Quốc Huy mở xưởng sản xuất gỗ; CCB Nguyễn Tiến Phương kinh doanh xăng dầu… Đặc biệt, có những hội viên như CCB Mai Văn Cưu, Mai Văn Huyền, Phạm Văn Long trồng rau sạch với quy mô lớn, lên tới vài ha, đạt doanh thu tới 500 triệu đồng/năm…

Nhiều hội viên khác được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Thanh Oai cho con em đi lao động xuất khẩu, đã có tiền phụ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. 25 hội viên nghèo khác được hỗ trợ về nhà ở và nhiều gia đình chính sách có vốn để cải tạo công trình nước sạch. Đặc biệt, có một số hội viên được tiếp cận chương trình vay vốn HSSV, có thể nuôi các con ăn học đại học. Từ chỗ cả xã có 16 hộ nghèo, tương đương 2,8% tổng số hộ dân (năm 2010) đến nay, Phương Trung không còn hộ nghèo và số hộ giàu và khá đã đạt tới 70%. Hiện nay, Phương Trung đã trở thành xã được xem là “trù phú’ ở Thanh Oai.

Vận động, khuyến khích hội viên là một chuyện nhưng bản thân Hội CCB cũng phải có những bước đi và phương pháp tổ chức chu đáo mới đạt chất lượng tín dụng tốt. Theo đó, hàng năm Hội đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, phối hợp với NHCSXH huyện Thanh Oai và chính quyền các cấp tại địa phương, rà soát các đối tượng thụ hưởng vay vốn tín dụng để bảo đảm đồng vốn đến đúng người, đúng việc. Mặt khác, Hội cũng tăng cường đôn đốc, kiểm tra các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức đối chiếu, kiểm tra việc sử dụng đồng vốn vay của các hộ vay và tổ chức họp tổ, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các chương trình ưu đãi tín dụng… giúp các hội viên tăng cường nhận thức về trách nhiệm đối với đồng vốn vay cũng như nắm rõ được những lợi ích được thụ hưởng.

Chủ tịch Hội CCB xã Phương Trung Phạm Đức Thịnh, cho biết thêm: Cách làm thì không có gì đặc biệt cả, cứ phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện, bám theo nghiệp vụ được tập huấn mà làm. Tuy vậy, quan trọng nhất là phải luôn sâu sát hội viên, vừa vận động, tuyên truyền, vừa đôn đốc, kiếm tra. Cứ có hiệu quả kinh tế là các hội viên dễ dàng hoàn vốn. Năm nay, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Phương Trung và NHCSXH huyện Thanh Oai phấn đấu tăng số dư vay vốn lên 6,5 tỷ đồng. Hộ khá và giàu chiếm tỷ lệ 75%.

Bài và ảnh Văn Thăng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác