Hiệu quả vốn chính sách ở vùng cao Thanh Lương
Được sự giúp đỡ của các cấp ngành, trong đó có NHCSXH huyện Văn Chấn, 5 năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã Thanh Lương đã tổ chức chỉ đạo các đoàn thể ký hợp đồng uỷ thác vay vốn; động viên, hướng dẫn hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả, đồng thời lồng ghép việc vay vốn chính sách với chương trình, khuyến nông, khuyến lâm…
Đi đầu trong việc nhận uỷ thác vay vốn chính sách là Hội Phụ nữ xã. Thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao ý thức về hoạt động uỷ thác cho cán bộ chi Hội Phụ nữ các thôn, bản, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện quy trình bình chọn, xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng; đồng thời tích cực phối hợp với các đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thường xuyên kiểm tra đôn đốc hội viên phụ nữ vay vốn nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng.
Tính đến nay, toàn xã Thanh Lương có 620 hộ vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt trên 12 tỷ đồng, tăng 2,18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Riêng Hội Phụ nữ xã nhận uỷ thác trên 45% tổng dư nợ với mức dư nợ bình quân đạt 18,6 triệu đồng/hộ, cao hơn 4,9 triệu đồng so với mức trung bình của huyện. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Văn Chấn Trần Quang Sơn: Số dư nợ này tuy không lớn nhưng điều đáng kể là bà con đều sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả cụ thể, đơn cử như những hộ vay vốn ở xã Thanh Lương lúc đầu mua một cặp trâu sinh sản về chăn nuôi phát triển thành đàn hàng chục con hay đầu tư nuôi gà, ngan, thâm canh đồi chè sạch, nương ngô lai sau vài ba vụ thoát nghèo, trả hết nợ lãi vay, bây giờ ở thôn bản nào cũng có vài ba chục hộ.
Chị Lò Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn, chia sẻ: Chủ trương của NHCSXH, Hội Phụ nữ huyện và lãnh đạo các xã trong việc uỷ thác vay vốn chính sách là rất đúng đắn nhưng quá trình triển khai không dễ dàng chút nào. Ví như việc chăn nuôi trâu bò ở xã Thanh Lương. Hầu hết người dân nơi đây đều hiểu rõ lợi ích của việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, thế mạnh của địa phương lại có nhiều bãi chăn thả, nhưng nhiều bà con có tập quán thả rông trâu bò trong rừng, nên việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu bò còn thiếu khoa học. Hậu quả, vụ rét năm 2010 - 2011, cả xã có đến 69 con trâu bò chết đói, chết rét; năm 2012, nhiều con trâu còn mắc dịch lở mồm long móng. Sau 2 năm liền “vận hạn” ấy, bà con đã rút ra bài học, tích cực học tập các biện pháp phòng trừ bệnh tật, mạnh dạn sử dụng vốn vay của NHCSXH đầu tư làm chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn đầy đủ cho trâu bò trong mùa đông lạnh giá. Đặc biệt, từ giữa năm 2014, khi hạn mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng lên gần gấp đôi, bà con dân tộc trong huyện nói chung, xã Thanh Lương nói riêng càng phấn khởi vay vốn chính sách đầu tư nuôi từ 1 đến 2 cặp trâu về cho bõ công chăm sóc. Ngoài ra, người dân Thanh Lương còn mở rộng nuôi thêm dê, gà đồi, lợn rừng.
Thông qua công tác uỷ thác, nguồn vốn chính sách đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS ở xã vùng cao Thanh Lương. Tiêu biểu là gia đình chị Hoàng Thị Mận, dân tộc Mường ở thôn 3, từ số tiền 30 triệu đồng vay ưu đãi cùng sự tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi của Hội Phụ nữ xã, chị Mận đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu sinh sản và trồng chè sạch giống mới. Sau 3 năm, chị đã có trâu mẹ và 2 con nghé khoẻ mạnh cùng 1ha chè xanh tốt, giúp cho kinh tế nhà chị Mận khấm khá, hết nghèo khổ. “Từ số tiền thu hái chè búp tươi và chăn nuôi, gia đình tôi đã hoàn trả hết vốn vay cho ngân hàng nay có tích luỹ dự định mua thêm trâu bò về nuôi thành đàn 5 - 7 con, phấn đấu cuối năm nay xây nhà mới 2 tầng để ở chọ rộng rãi, thoáng đãng”, chị Mận phấn khởi nói.
Tính đến thời điểm này, xã vùng cao Thanh Lương đã có rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận thuận lợi với nguồn vồn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đối với NHCSXH thực sự góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng quê xa xôi này từ 5 - 7%, hiện tại chỉ còn 14,6%. Tin rằng, với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, trong đó có NHCSXH và sự vào cuộc từ cấp uỷ, chính quyền địa phương, nguồn vốn chính sách được đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả đắc lực vào chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội.
Bài và ảnh Phương Quý
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
- » Những kỷ niệm không quên
- » Vượt lên gian khó
- » Tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng
- » Chỗ dựa giúp chị em làm giàu
- » Đồng vốn tiếp sức đúng lúc
- » Khi người dân biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Sức bật mới giúp hộ cận nghèo vươn lên
- » Cho vay giải quyết việc làm - đòn bẩy hỗ trợ người lao động
- » Hướng đi thoát nghèo ở vùng quê ven đô thị