Đột phá để nâng cao chất lượng tín dụng

31/08/2015
(VBSP News) Hơn 3 năm thực hiện Ðề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên, người dân có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình, từ đó, phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay.
Ông Bùi Thanh ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc chăm sóc hồ cá của gia đình từ nguồn vốn vay ngân hàng

Ông Bùi Thanh ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc chăm sóc hồ cá của gia đình từ nguồn vốn vay ngân hàng

Để góp phần mang lại hiệu quả từ những đồng vốn vay xóa được nghèo vươn lên làm giàu, có thể kể đến những mô hình mà người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện. Họ là những nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Hơn ai hết họ hiểu giá trị của đồng vốn ưu đãi, để từ đó xác định những mô hình phù hợp, sát với điều kiện thổ nhưỡng để có hướng đầu tư hợp lý, thu lại lợi nhuận để hoàn vốn cho ngân hàng.

Mô hình của ông Bùi Thanh ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc là một cách làm mới, có tính đột phá. Nếu như trước đây vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, người nông dân đào hồ nuôi độc canh con tôm hoặc cua, cá. Nếu dịch bệnh, thời tiết bất lợi là mất trắng thì nay với cách nuôi xen ghép “ba trong một” hiệu quả mang lại rất cao. Nhà ông Thanh có sẵn hồ nuôi tôm hơn 1ha, ngoài 30 vạn con tôm, năm 2014 ông được vay 20 triệu đồng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ NHCSXH thả nuôi thêm 1.000 con cá dìa, 1.000 con cua. Việc nuôi xen ghép này là cách làm từ trước đến nay bà con chưa từng làm nên giảm chi phí rất lớn. Với cách nuôi này, hàng trăm hộ gia đình vay vốn các xã ven biển Thừa Thiên Huế đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Cũng là xã bãi ngang thuộc diện khó khăn nhưng mô hình chăn nuôi của bà con nông dân huyện Phong Điền lại khác so với huyện Phú Lộc. Ở đây, phần đông bà con chọn nuôi các loại gia súc, gia cầm… Gia đình chị Hồ Thị Lộc ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương được xem là hộ nông dân điển hình bởi mô hình chăn nuôi tổng hợp. Ban đầu chuồng nuôi lợn chỉ vài con, chị Lộc đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng để xây thêm chuồng và đầu tư con giống. Hiện tổng đàn của gia đình chị có hơn 100 con, trong đó có hơn 60 con chuẩn bị xuất chuồng, còn lại 5 con lợn nái và lợn sữa. Khoảng vườn trong nhà không đủ nuôi, chị thuê đất xây thêm chuồng nuôi khác. Ngoài nuôi lợn, chị còn trồng nấm rơm, nuôi cá trê, cá trắm. Tổng thu nhập từ việc chăn nuôi trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu về hơn 100 triệu đồng.

Khi được hỏi vay với số tiền lớn như vậy việc trả lãi, vốn ra sao? “Tiền lãi hàng tháng tôi lấy từ nấm, cá để nộp, còn vốn sau khi bán lợn tôi trả dần. Với số vốn vay đó tôi bảo đảm trong 2 năm là trả hết”, chị Lộc quả quyết.

Gặp chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Chánh An, xã Phong Chương, chị đã vay NHCSXH huyện Phong Điền 30 triệu đồng, số tiền này chị đầu tư đào ao nuôi vịt. Đến nay, tổng đàn vịt của chị hơn 1.600 con. Tính bình quân mỗi tối chị thu được trên 500 quả trứng. Với giá 3.000 đồng/quả, mỗi tháng trừ chi phí chị thu lãi gần 20 triệu đồng.

Từ những chuyến đi thực tế về cơ sở tại các huyện trên địa bàn mới thấy được ý nghĩa của đồng vốn vay ưu đãi của Chính phủ giao cho NHCSXH thực hiện. Hàng trăm mô hình sản xuất, kinh doanh của bà con mang lại hiệu quả cho thấy sự phối hợp chặt chẽ của các cấp hội, đoàn thể. Chính họ là những “cánh tay nối dài” để đưa vốn về tận tay người dân giúp họ ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Đông, cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay cùng với sự chịu khó làm ăn mà đời sống bà con đã được cải thiện đáng kể, nhiều hộ thoát nghèo, có việc làm cũng nhờ nguồn vốn này”.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, viên chức trong toàn chi nhánh, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt trong hoạt động tín dụng nhiều chỉ tiêu đã thực hiện đạt kế hoạch. Theo đó, số dư huy động tiền gửi tiết kiệm đến 30/7/2015 là 120 tỷ đồng, đạt 83,92 % kế hoạch năm, Trong đó: Tiền gửi tổ chức, cá nhân là 34 tỷ đồng; tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 86 tỷ đồng. Việc triển khai huy động tiền gửi tiết tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được coi như một trong những giải pháp nhằm củng cố nâng cao chất lượng, qua đó hạn chế rủi ro tín dụng.

Hiện nay NHCSXH tỉnh đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ là 1.780 tỷ đồng với hơn 98 nghìn hộ còn dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã cho hơn 25 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,25%, giảm 0,05% so với đầu năm. Nợ xấu 7.576 triệu đồng, tỷ lệ 0,42%.

Để làm có những kết quả trên là nhờ các Điểm giao dịch và hoạt động của Tổ giao dịch xã ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, chất lượng hoạt động của Tổ giao dịch xã ngày càng nâng lên.

Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế Trương Công Lân, cho biết: “Để làm tốt điều này, chúng tôi tiếp tục kiện toàn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó sẽ thực hiện tốt Đề án đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2%. Triển khai công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể, Ban giảm nghèo, Trưởng thôn và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Rà soát lại các khoản nợ để tiếp tục xem xét xử nợ lý rủi ro theo quy định. Kiểm tra, chấn chỉnh sai sót trong hoạt động tại các Điểm giao dịch xã để nâng chất lượng hoạt động phù hợp với thực tiễn hơn”.

Bài và ảnh Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác