Hiệu quả xã hội và kinh tế của chương trình tín dụng HSSV
Chắp cánh ước mơ lập nghiệp
Trước năm 2007, khi chưa có chương trình tín dụng HSSV, không ít trường hợp học sinh thuộc các hộ nghèo khi thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học hoặc các trường chuyên nghiệp, dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có em phải từ bỏ ước mơ đại học. Quyết định của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với mục tiêu không để HSSV đỗ cao đẳng, đại học và các trường chuyên nghiệp bỏ học giữa chừng, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai tích cực chương trình này và đã có 9.214 trường hợp được vay vốn cho con em đi học với tổng dư nợ trên 197 tỷ đồng. Với tổng dư nợ lớn như vậy, song tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình này thấp nhất so với các chương trình tín dụng khác (chưa đến 1%). Điều này cũng cho thấy, các đối tượng được vay vốn đã gắn ý thức, trách nhiệm trong việc vay và trả đúng kỳ hạn và theo quy định.
Chuẩn bị bước vào năm học mới 2015 - 2016, từ đầu năm đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 7,9 tỷ đồng cho HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay để đi học. Chi nhánh phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương cải tiến cơ chế cho vay, giải ngân đảm bảo đơn giản, thuận lợi, tránh phiền hà cho nhân dân. Đồng thời rà soát, bình xét đối tượng theo quy định làm căn cứ phê duyệt cho vay, tuyên truyền sâu rộng chính sách vay vốn và tiến hành giải ngân ngay khi hồ sơ, thủ tục vay vốn đầy đủ. Nhờ có chương trình tín dụng này, gần 8 năm qua hàng chục nghìn lượt HSSV trong tỉnh Tuyên Quang đã bước chân vào giảng đường đại học và các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, mở ra biết bao cơ hội có việc làm, thu nhập sau khi các em ra trường.
Xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đây lại là xã có số HSSV đang theo học các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề nhiều nhất trong huyện. Nhiều hộ nghèo, khó khăn được vay vốn cho con em đi học, sau khi ra trường đã có việc làm và thu nhập ổn định. Hộ ông Quyền Văn Hợp ở thôn Nà Giàng là điển hình như vậy. Ông Hợp có 5 người con, trong đó có 2 người con học đại học đã ra trường, đi công tác tại tỉnh Hà Giang, Lai Châu và được tuyển vào biên chế. Một người con của ông vừa tốt nghiệp Trung cấp Y Tuyên Quang và một người con khác đang học cao đẳng tại tỉnh Hà Nam. Sau khi ra trường có việc làm, hai người con của ông Hợp giúp bố mẹ trả nợ.
Hay như hộ anh Nguyễn Văn Ninh ở thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương là một điển hình khác khi nói về hiệu quả của chương trình tín dụng HSSV. Bố mẹ anh Ninh sinh được 6 người con nhưng đã già yếu, không còn sức lao động. Giữa lúc kinh tế gia đình khó khăn nhất thì 3 người em của anh Ninh đang theo học các trường chuyên nghiệp. Anh Ninh đã định bán đàn trâu để lo cho em út đi học Cao đẳng du lịch. Nhưng nhờ có chương trình tín dụng HSSV, anh Ninh đứng ra vay tiền cho em đi học, mà không phải bán trâu. Bây giờ, 3 người em của anh đều đã có công ăn việc làm ổn định. Anh Ninh cũng đã trả hết nợ cho ngân hàng. Anh chia sẻ: “Lúc đó, nếu không được vay vốn tín dụng HSSV mình vẫn phải bán trâu với giá rẻ bèo thôi. Mà nếu bán trâu thì giờ mình chẳng làm được nhà xây thế này đâu”.
Hiệu quả thiết thực về kinh tế và xã hội
Chương trình tín dụng HSSV không những chắp cánh cho hàng chục nghìn HSSV nghèo trong tỉnh trên con đường lập thân, lập nghiệp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội lớn. Chương trình đã góp phần tạo ra một nguồn nhân lực được đào tạo, có trình độ, kiến thức và tay nghề phục vụ cho xã hội và địa phương. Dù sau khi ra trường, nhiều em tìm được việc làm, có em chưa có việc làm ngay nhưng việc các em được đào tạo, được trang bị kiến thức cũng mở ra những cơ hội trong tương lai cho các em. Các em đã và là nguồn nhân lực đóng góp công sức, trí tuệ cho địa phương.
Tuy nhiên bên cạnh những hộ có ý thức và điều kiện trả nợ, cá biệt có một số trường hợp khó khăn trong việc trả nợ. Việc vay vốn cho con em đi học rồi sau khi ra trường không xin được việc làm là một vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Ông Đỗ Văn Hùng - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Dương, cho biết, hiện nay, tổng dư nợ chương trình tín dụng HSSV toàn huyện trên 45 tỷ đồng. Rất nhiều HSSV ra trường có việc làm song cũng có những trường hợp không xin được việc làm, làm trái ngành nghề, lao động giản đơn, thu nhập thấp. Vì vậy, việc giúp gia đình các em trả nợ tương đối khó khăn. Vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc định hướng, tư vấn nghề cho các em. Gia đình HSSV cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc giúp các em lựa chọn nghề phù hợp với khả năng, sở trường, điều kiện gia đình cũng như nhu cầu của xã hội để sau khi ra trường, HSSV có nhu cầu tìm việc làm tại chỗ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhà trường cần có các giải pháp đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động. Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp có kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo, tạo ra nhiều nguồn thu nhập.
Theo ông Trương Văn Bình - Giám đốc NHCSXH tỉnh, năm 2015, Chi nhánh đã chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện, thành phố, cán bộ tín dụng tạo điều kiện tối đa để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với chương trình tín dụng HSSV ngay từ những ngày đầu của năm học mới. Việc NHCSXH, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo được vay nguồn vốn này sẽ tiếp tục tạo ra hiệu ứng tốt cho xã hội. Điều đó càng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự ưu tiên lớn cho công tác khuyến học, khuyến tài và chăm lo tới đời sống người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
CTV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả vốn chính sách ở vùng cao Thanh Lương
- » Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
- » Những kỷ niệm không quên
- » Vượt lên gian khó
- » Tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng
- » Chỗ dựa giúp chị em làm giàu
- » Đồng vốn tiếp sức đúng lúc
- » Khi người dân biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Sức bật mới giúp hộ cận nghèo vươn lên
- » Cho vay giải quyết việc làm - đòn bẩy hỗ trợ người lao động