Kiên trì đưa vốn chính sách về Xứ Quảng
Tập thể cán bộ, viên chức NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, đồng thời triển khai có hiệu quả việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Hiện NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho vay tới 11 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt hơn 3.000 tỷ đồng, cho gần 200 nghìn hộ còn dư nợ thông qua 4.108 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với việc tranh thủ nguồn vốn từ TW chuyển về, chi nhánh đã tham mưu cho chính quyền các cấp tiết kiệm, dành một phần vốn ngân sách địa phương chuyển sang để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho vay được hơn 84 tỷ đồng, góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để đạt kết quả đó, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù cũng như làm tốt công tác uỷ thác vay vốn cho các hội, đoàn thể, giúp cho việc chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Điển hình là Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với NHCSXH tổ chức triển khai quản lý và giải ngân vốn vay chính sách với dư nợ 1.200 tỷ đồng cho 68 nghìn hộ hội viên vay, trong đó có gần một nửa là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay đến 628 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam Lưu Thị Bích Ngọc, cho biết: các cấp hội đã cụ thể hóa chương trình phối hợp hoạt động, mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, theo hướng sản xuất hàng hóa; tích cực chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cung cấp cho thị trường những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Từ nguồn vốn vay chính sách, các gia đình hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triên sản xuất, xây dựng các loại hình kinh tế phù hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập, và thoát nghèo bền vững.
Điển hình như gia đình chị Huỳnh Thị Mai ở xã Trà Giang, từ năm 2010 trở về trước hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn. Từ nguồn vốn ban đầu 25 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Bắc Trà My, cùng với sự siêng năng lao động, tích cực học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, chị Mai đã phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VACR nuôi trâu sinh sản, thả cá nước ngọt, lập vườn chanh không hạt và trồng rừng nguyên liệu giống vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, vừa tăng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Phạm Thị Quý ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò sinh sản và hơn 600 con vịt đẻ trứng mở rộng diện tích trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân hàng năm từ đồi rừng, đàn gia súc gia cầm của nhà chị Quý được cả tới trăm triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực tài chính, kể cả nguồn vốn ngân sách của địa phương để tăng thêm nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ đắc lực hơn cho người dân trong quá trình phát triển kinh tế, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Phạm Anh Thư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nỗ lực để giảm nghèo bền vững
- » Vươn lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đột phá để nâng cao chất lượng tín dụng
- » Hiệu quả xã hội và kinh tế của chương trình tín dụng HSSV
- » Hiệu quả vốn chính sách ở vùng cao Thanh Lương
- » Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
- » Những kỷ niệm không quên
- » Vượt lên gian khó
- » Tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng
- » Chỗ dựa giúp chị em làm giàu