Giảm nghèo phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức

23/10/2015
(VBSP News) “Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 3 năm qua đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của đồng bào DTTS”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum Nguyễn Danh Thứ, khẳng định.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum có điều kiện phát triển kinh tế gia đình

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum có điều kiện phát triển kinh tế gia đình

Huy động tổng lực

Kon Tum là tỉnh nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên, nghèo nhất so với các tỉnh khác trong cả nước. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm 2011, dư nợ tín dụng chính sách của đơn vị đạt thấp nhất toàn hệ thống, với tổng dư nợ đạt 900,6 tỷ đồng; nợ quá hạn cao, chiếm tới 2,47% tổng dư nợ; lãi tồn đọng lớn, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn không đồng đều, tới 40% số tổ xếp loại trung bình, hơn 7% tổ xếp loại yếu kém.

Trước thực trạng đó, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại Kon Tum đã ra đời, mang đến những giải pháp đồng bộ, nhằm tạo sự “đột phá” giúp chất lượng tín dụng của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt.

Tỉnh ủy, UBND các cấp cũng đã ban hành Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các ngành, hội đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.

Để giải quyết nợ quá hạn, NHCSXH tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn gồm đại diện Lãnh đạo UBND huyện, thành phố, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức hội cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để hỗ trợ thu hồi nợ quá hạn. Các thôn, tổ giao nhiệm vụ cho Thôn trưởng, Tổ trưởng trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách từ khâu nhận chỉ tiêu phân vốn đến tổ chức giám sát, bình xét cho vay, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của hộ vay, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát việc thực hiện ủy thác của hội, đoàn thể trên địa bàn và tham gia đôn đốc, xử lý thu hồi nợ của hộ vay; thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro, nợ không có khả năng thu hồi theo quy định.

Đặc biệt, từ đầu năm 2015, thực hiện văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kon Tum theo nội dung Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn hoạt động và chất lượng tín dụng chính sách ở một vùng vốn được coi còn nghèo khó nhất nước đã và đang có bước chuyển biến tích cực.

Không còn Tổ yếu kém

“Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của người dân; đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, Giám đốc Nguyễn Danh Thứ, khẳng định.

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 77,2% so với trước khi thực hiện Đề án, với 61.560 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng được cải thiện rõ nét, tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,53%.

Do nhận thức được việc củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn là biện pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời là cơ sở vững chắc cho việc triển khai cho vay mới, nên các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các hội, đoàn thể cấp xã tiến hành sắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, bầu chọn những người có uy tín và nhiệt tình làm Tổ trưởng, nâng cao hơn chất lượng các cuộc họp bình xét cho vay ở tổ. Do vậy, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã dần dần đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng, số tổ được xếp loại tốt chiếm 42,6%, loại khá 42,8% và không còn tổ yếu kém.

Trong 3 năm qua, cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Kon Tum đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đã có trên 75.334 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH tỉnh Kon Tum. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 15.564 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm mới cho 48.651 lao động, giúp 13.102 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng 32.985 công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kon Tum theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 27,91%(năm 2011) xuống còn 15,88% (năm 2014).

“Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đến mọi người dân để thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, phấn đấu thực hiện hoàn thành các chương trình tín dụng ưu đãi năm 2015”, Giám đốc Nguyễn Danh Thứ thông tin.

Bài và ảnh Lê Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác