Hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS

21/10/2015
(VBSP News) Lai Châu là tỉnh vùng cao biên với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 87,3%. Hai năm qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh không chỉ tiếp thêm nguồn lực mà còn giúp đồng bào tiếp cận các hình thức cho vay tín dụng, tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức của bà con.
Anh Giàng A Sinh sử dụng vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi và cải tạo ao cá cho thu nhập cao

Anh Giàng A Sinh sử dụng vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi và cải tạo ao cá cho thu nhập cao

Hiệu quả bước đầu

Đến nay, sau hai năm triển khai thực hiện Quyết định 54 đã có 1.143 hộ DTTS đặc biệt khó khăn của tỉnh được thụ hưởng chương trình này với tổng dư nợ đạt 8,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt này, các hộ DTTS trong tỉnh đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tổ chức xây dựng được một số mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Điển hình như hộ anh Sùng Xé Hừ ở bản Ló Na, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, sử dụng nguồn vốn vay NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò thành đàn tới 15 con, vừa nuôi sinh sản vừa tạo sức kéo dồi dào trên miền cao biên thuỳ.

Tương tự, hộ anh Giàng A Sinh ở bản Thèn Pả, xã Tà Lẻng, huyện Tam Đường đã không những thoát nghèo mà còn trở thành gương tiêu biểu sản xuất giỏi của địa phương nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Anh Sinh tâm sự: “Ruộng đất ít, nên dù rất chăm chỉ, hàng năm vợ chồng mình vẫn phải ăn rau và củ mài vào những tháng giáo hạt. Từ ngày NHCSXH cho vay vốn vay ưu đãi đối với các hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, gia đình mình đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Sau 3 lần vay rồi trả, mình đã có vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, gia đình mình có 2 ao cá với tổng diện tích trên 6.000m2; hàng năm bán ra thị trường vài tấn cá và lợn thịt, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Cần giải pháp tháo gỡ “nút thắt”

Là tỉnh miền núi đông đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó tập trung phần lớn là hộ đồng bào DTTS, song nguồn vốn vay phát triển sản xuất đối với đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu lại rất thấp, bình quân hàng năm nguồn vốn chỉ được bổ sung từ 2 - 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, sự hiểu biết của bà con các dân tộc còn rất hạn chế, sinh sống phân tán, thiếu ổn định, thậm chí có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng du canh, du cư… ảnh hưởng đến hoạt động SXKD khi vay vốn. Một khó khăn nữa là nguồn vốn đã đến tay những đối tượng được thụ hưởng, nhưng việc lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi hay trồng trọt như thế nào để sớm phát huy hiệu quả của vốn vay, sớm có thu nhập thì cũng còn những hạn chế. Hiện nay hầu hết các hộ được vay vốn thường lựa chỉ chọn đầu tư chăn nuôi đại gia súc, mà chưa quan tâm đến các lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ đồng bào DTTS.

Để đồng bào nơi đây thoát được cảnh nghèo nhanh, hàng hóa sản xuất ra không chỉ còn mang tính tự cung, tự cấp, mà có thể trở thành hàng hóa lớn, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm đầu tư cho hạ tầng, đưa thêm nguồn tín dụng ưu đãi, tuyên truyền, tập huấn phương thức canh tác cho đồng bào nơi đây, góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Minh - Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác