Lai Châu cần lắm nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Nằm ở phía Tây Bắc, Lai Châu là tỉnh có diện tích gần 10.000km2 với 7 huyện, 1 thành phố trong đó có 6 huyện thuộc huyện nghèo 30a, dân số toàn tỉnh hơn 403 nghìn người với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình nhiều núi đá vôi, diện tích đất trồng có độ dốc cao, nhiều sông suối, thác ghềnh, đường giao thông còn khó khăn… Chính những điều kiện này khiến tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn khá cao.

Trong những năm gần đây, các chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Lai Châu của TW cũng như địa phương đã phát huy hiệu quả, trong đó nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã cải thiện đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn, đời sống của người dân ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn từng bước được nâng lên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lai Châu. Hàng nghìn hộ đã thoát nghèo, gần 2.600 công trình NS&VSMTNT được xây dựng, trên 3.000 lao động đã được tạo việc làm; hàng vạn gia súc, gia cầm được nuôi nhờ vốn vay ưu đãi…

Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu Lê Xuân Hùng, cho biết: “Đến nay dư nợ toàn tỉnh đạt trên 1.100 tỷ đồng với gần 44 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi. Công tác cho vay đến Điểm giao dịch xã còn nhiều khó khăn bởi địa bàn xã cách xa hàng trăm km. Đặc biệt, vào mùa mưa, nhiều phiên giao dịch một xã mất 2, 3 ngày không còn xa lạ với cán bộ ngân hàng, có những buổi giao dịch phải đi bằng xe máy hoặc đi bộ bởi đường sạt lở hoặc ngập nước… Khó khăn là vậy, nhưng cán bộ NHCSXH tỉnh Lai Châu vẫn đảm bảo giao dịch đúng hẹn, đồng vốn ưu đãi vẫn đến với bà con đúng kỳ”.

Xã Thu Lũm, huyện Mường Tè cách thành phố Lai Châu khoảng 300km, giao thông vô cùng khó khăn với những khúc cua “tay áo” và mặt đường là đá lởm chởm. Đây là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Dao và La Hủ. Toàn xã có 418 hộ thì tới 133 hộ nghèo. Chủ tịch Hội Nông dân Lý Lù Cà gắn bó với công việc nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH cũng hơn 10 năm nay, ông kể: “Trước kia không có vốn ưu đãi nhiều hộ khó khăn lắm, bây giờ được vay vốn người dân phát triển kinh tế tốt. Lúc đầu được vay 20, 30 triệu đồng mua trâu, trồng thảo quả, bây giờ nhiều nhà đã mua được xe công nông, xây được nhà, nhiều hộ có tới 8, 9 con trâu. Nhiều hộ thoát nghèo rồi”. Ông Lý Lù Cà cho biết, gia đình ông Chu Ca Sá, dân tộc Hà Nhì ở bản Thu Lũm, trước đây rất khó khăn, nhờ vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu bò nay đã xây được nhà.  Gia đình anh Chu Phạ Chừ, Chu Lò Hà cũng vươn lên từ nguồn vốn vay này, nay không còn nghèo đói nữa.

Những đóng góp từ các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH cũng tạo nên cú hích đáng kể với xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu. Chủ tịch xã Tà Lèng, huyện Tam Đường Lương Việt Hải, cho biết: “Là một trong những xã nghèo nhất của huyện với 3 dân tộc Kinh, Dao, Môn sinh sống.  Hiện dư nợ tín dụng chính sách cả xã là hơn 10 tỷ đồng, người dân sử dụng hiệu quả, góp phần lớn cho việc giảm nghèo ở xã. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện là 29,8%, năm 2015 xã phấn đấu giảm 7%, nguồn vốn ưu đãi sẽ là điều kiện tốt cho thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo - một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Vốn chính sách đang hàng ngày ghi những dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế -xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, để đồng bào nơi đây thoát được cảnh nghèo nhanh, hàng hóa sản xuất ra không chỉ còn mang tính tự cung, tự cấp, mà có thể trở thành hàng hóa lớn, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm đầu tư cho hạ tầng, đưa thêm nguồn tín dụng ưu đãi, tuyên truyền, tập huấn phương thức canh tác cho đồng bào nơi đây, góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững.

Phóng viên TRẦN VIỆT chia sẻ cùng bạn đọc một số hình ảnh vừa được thực hiện tại cơ sở. Mời quý vị và các bạn đón xem!