Đại Phú xây dựng nông thôn mới

13/10/2015
(VBSP News) Phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, Đảng bộ và nhân xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã tập trung khai thác thế mạnh của địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với việc sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả. Nhờ vậy mà số hộ nghèo trong xã đã giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều khởi sắc.
Anh Nguyễn Thanh Tâm đang chăm sóc vườn rau sạch

Anh Nguyễn Thanh Tâm đang chăm sóc vườn rau sạch

Đại Phú là xã nằm ở phía Nam của huyện Sơn Dương, toàn xã có tới 75% đồng bào DTTS. Với xuất phát điểm là xã thuần nông, do vậy việc tuyên tuyền để từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân là nhiệm vụ quan trọng để triển khai các mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Trong đó, việc chuyển đổi từ sản xuất 2 vụ chính trong năm thì nay đã được nông dân tận dụng tối đa vào sản xuất 3 vụ. Xã đã thực hiện thành công 2 mô hình sản xuất rau tại các thôn Vinh Phú, Tứ Thể với 3,2ha và mô hình cây khoai tây vụ đông tại các thôn Thái Sơn Đông, Thái Sơn Tây, Tứ Thể, Đồng Na với diện tích 2,2ha.

Bên cạnh việc tuyên truyền để nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, xã cũng chú trọng đến việc hỗ trợ để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên, phát triển kinh tế như: hỗ trợ vốn thông qua các kênh vay vốn, hỗ trợ kinh phí sửa nhà, hỗ trợ cây, con giống… Từ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Trước đây, hộ anh Nguyễn Thanh Tâm ở thôn Vinh Phú thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhà đông người nhưng thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã quản lý, gia đình anh được vay 15 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Với số tiền này, anh đã tiến hành mua giống, đầu tư trồng rau. Ban đầu anh gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên hiệu quả chưa cao. Nhờ được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm và qua tự tìm hiểu, anh chuyển hướng sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Hiện nay, gia đình anh có 4 sào rau ăn lá, củ, quả, mỗi năm trừ chi phí thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng. Đầu năm 2014, gia đình anh đã thoát nghèo và dần vươn lên thành hộ khá trong thôn.

Anh Nguyễn Tuyên Ánh ở thôn Đồng Cảo cũng là hộ nghèo, thông qua Hội Nông dân anh được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH, đầu tư vào chăn nuôi. Từ quy mô nhỏ anh mở rộng dần. Bên cạnh chăn nuôi, anh làm thêm dịch vụ lắp đặt hầm bể biôga, mở cửa hàng tạp hóa. Mỗi năm doanh thu của gia đình khoảng 70 - 80 triệu đồng.

Hiện nay, Đại Phú đã dần hình thành cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, kết hợp với cây công nghiệp, dịch vụ và chăn nuôi. Toàn xã hiện đang có 5 mô hình trang trại đã được công nhận. Đại Phú cũng đã quy hoạch chăn nuôi tập trung, trong đó chú trọng đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, trở thành xã có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh nhất của huyện Sơn Dương. Bên cạnh đó, một bộ phận sản xuất nông nghiệp vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển ngành nghề ở địa phương. Nhờ những biện pháp tích cực đó tỷ lệ hộ nghèo của xã Đại Phú từ 17% đầu năm 2014, đến nay còn 9%.

Bài và ảnh Thiện Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác