Giúp hội viên cải thiện cuộc sống
Với quyết tâm đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hàng năm, Hội Nông dân xã Tân Nghĩa chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm chuyển giao tiến bộ KHKT;… cho hàng nghìn lượt nông dân tham dự, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, phát triển nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả tại địa phương.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên có vốn phát triển kinh tế, các Tổ tiết kiệm và vay vốn của hội đã phát huy vai trò cầu nối giữa ngân hàng với nông dân, duy trì nguồn vốn vay để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển nghề. Hiện, Hội Nông dân xã đang quản lý 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ đạt trên 4 tỷ đồng cho 368 hộ vay. Các cán bộ hội và Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về quản lý tín dụng để nâng cao năng lực quản lý vốn vay.
Ngoài nguồn vốn trên, Hội Nông dân xã Tân Nghĩa còn xây dựng, duy trì Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ tương trợ và Quỹ hùn vốn xoay vòng nhằm hỗ trợ hội viên có thêm vốn để mở rộng SXKD, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo, với tổng nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng. Các nguồn vốn vay được Hội triển khai đúng tiến độ và kiểm tra thường xuyên. Đến nay, hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích.
Với sự hỗ trợ tích cực của hội, nhiều hội viên nông dân đã ra sức tìm tòi, học hỏi, từng bước áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Gia đình anh Lê Văn Đam 37 tuổi, ngụ tại ấp 1, trước đây là một trong những hộ nghèo nhất nhì của xã, không ruộng đất, sống bằng nghề làm thuê, tài sản duy nhất của gia đình là căn nhà lá trống trước trống sau. Năm 2003, thông qua Hội Nông dân xã, vợ chồng anh được vay 7 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư làm hầm nuôi cá lóc. Vừa làm thuê vừa chăn nuôi, trừ hết chi phí nuôi, mỗi năm vợ chồng anh Đam thu lãi trên 20 triệu đồng. Đến năm 2007, vợ chồng anh xây được ngôi nhà kiên cố và được xét thoát nghèo. Sau khi thoát nghèo, vợ chồng anh được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để thuê đất để canh tác. Anh Đam cho biết: “Hiện tại, vợ chồng tôi đã trả xong nợ, mua được 3 công ruộng và thuê thêm 14 công để canh tác, mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình tôi trên 50 triệu đồng”.
Cũng được Hội Nông dân xã Tân Nghĩa hỗ trợ phát triển kinh tế và được thoát nghèo, gia đình ông Nguyễn Văn Khởi phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi thoát nghèo cuối năm 2014. Hiện con gái tôi được giới thiệu việc làm trong một Công ty chế biến thủy sản, thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Được Hội Nông dân cho vay vốn, tôi nuôi 2 con bò nay đã xuất chuồng và trả vốn xong, số tiền lời 20 triệu đồng tôi sẽ tiếp tục mua bò nuôi vỗ béo, tăng thu nhập cho gia đình”.
Được biết, trước đây gia đình ông Khởi có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 lao động, vì một người con bị khuyết tật bẩm sinh, vợ ông phải ở nhà túc trực chăm sóc. Cả nhà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và thu nhập từ nghề thợ mộc của ông Khởi nên rất khó khăn. Từ khi cô con gái được giới thiệu việc làm và vay vốn nuôi bò, kinh tế gia đình mới được cải thiện.
Từ những giải pháp thiết thực của Hội Nông dân, nhiều hộ nông dân ở Tân Nghĩa đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Cao Văn Lời - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Tính riêng trong năm 2014, hội đã giúp 24 gia đình hội viên thoát nghèo. Hiện tại, xã đang giao cho hội quản lý và hỗ trợ 64 hộ nghèo. Từ đây đến cuối năm 2015, hội sẽ phấn đấu hỗ trợ cho trên 20 hộ thoát nghèo”.
Bài và ảnh Như Nghĩa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Trò nghèo vững bước tới trường
- » Thoát nghèo bền vững từ đồng vốn ưu đãi
- » Hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS
- » Giúp người dân vùng cao không tái nghèo
- » Vốn về với bản làng Tây Nguyên
- » Đại Phú xây dựng nông thôn mới
- » Nỗ lực đảm bảo nguồn vốn vay cho người dân
- » Nước sạch về, buôn làng hết lo dịch bệnh
- » Quỹ Metlife xem xét khả năng hỗ trợ NHCSXH triển khai mô hình Mobile Phone Banking
- » Trợ lực cho người nghèo ở Cao Bằng