Vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ Phước Tân làm giàu

26/10/2015
(VBSP News) Xã Phước Tân, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) là xã miền núi, ngoài 800ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất rừng, đồi núi. Do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, đặc biệt 98% dân số địa phương là đồng bào dân tộc Raglai, nên việc thành lập nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Phụ nữ xã để chị em vươn lên giảm nghèo bền vững.
Nguồn vốn vay ưu đãi giúp người dân xã Phước Trung đầu tư chăn nuôi gia súc, vươn lên thoát nghèo bền vững

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp người dân xã Phước Trung đầu tư chăn nuôi gia súc, vươn lên thoát nghèo bền vững

Hiện, Hội Phụ nữ xã Phước Tân có 539 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội: Ma Lâm, Ma Ty và Đá Trắng. Trong đó, có 65 thành viên là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền của hội.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Pinăng Thị Hương cho biết: Trong những năm qua, hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát hộ nghèo, đặc biệt là những hộ do phụ nữ làm chủ hộ để giới thiệu và tín chấp với ngân hàng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác của hội đạt trên 2,9 tỷ đồng, với 258 hộ còn dư nợ. Nhờ vậy, đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều mô hình mới, đạt hiệu quả cao để chị em học hỏi và noi theo.

Điển hình như mô hình “Phụ nữ Raglai buôn bán nhỏ” với sự tham gia của 13 hội viên trong 3 thôn. Chị Pi Năng Ghín ở thôn Ma Ty vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình khó khăn lắm, từ ngày được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, tôi đã vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn vay, tôi đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh buôn bán nhỏ, tạo thu nhập cho gia đình khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, đời sống được cải thiện rất nhiều”.

Hay như ở thôn Ma Ty, tận dụng đất gò đồi có nhiều đồng cỏ thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nên Hội đã vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ tham gia nuôi bò sinh sản. Chị Chamaléa Thị Nguyến cho biết: “Năm 2013, được vay 10 triệu đồng vốn chính sách, mình đã mua một con bò cái để nuôi sinh sản. Đến nay, bò cái đã sắp đẻ rồi, mình vui lắm, giờ “trong tay” của gia đình cũng có khoảng mấy chục triệu đồng từ nuôi bò sinh sản”.

Cùng với hoạt động hỗ trợ vay vốn, Hội đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để chị em áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã xuống còn 37% (năm 2014) và phấn đấu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình khoảng 5%.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ còn vận động 15 chị em thôn Ma Lâm tham gia phong trào “Dân vận khéo” với mô hình “Phụ nữ không uống rượu bia”; đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua như: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… tạo sự chuyển biến đáng kể trong cán bộ, hội viên, phụ nữ.

“Hội sẽ tiếp tục duy trì, tìm hiểu và hướng dẫn cho chị em nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, từ đó sử dụng các nguồn vốn sao cho có hiệu quả, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, dạy nghề, đẩy mạnh chuyển giao KHKT… để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững”, chị Pinăng Thị Hương cho biết thêm.

Bài và ảnh Phan Hiếu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác