Phụ nữ Phong Thổ giúp nhau phát triển kinh tế
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ, Trần Thị Phương cho biết: “Hội Phụ nữ huyện có 185 chi hội với 8.672 hội viên, trong đó có 85 gia đình hội viên là phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Hội xác định việc đảm bảo cho hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hội đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp, khuyến nông mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, hướng dẫn hội viên thâm canh tăng vụ, sử dụng các loại giống mới có năng suất, giá trị cao. Phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… Từng bước nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ”.
Cùng với đó, Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp với NHCSXH huyện thực hiện công tác ủy thác cho hội viên vay vốn ưu đãi. Nguồn vốn vay do hội quản lý đến nay lên đến 49 tỷ đồng với 1.747 hội viên được vay vốn. 100% chị em đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, từ đó đã phát huy được hiệu quả các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng diện tích rau màu.
Có được nguồn vốn và nắm bắt sâu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều mô hình có hiệu quả được hình thành từ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi và nghị lực vươn lên thoát nghèo của hội viên phụ nữ. Tiêu biểu như mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hoàng Thị Pỏm ở bản Phiêng Đanh, xã Mường So. Là hộ nghèo của xã, được sự động viên khuyến khích, hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã và chính quyền địa phương, năm 2008 chị Pỏm mạnh dạn vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện đầu tư nuôi cá. Gia đình chị đào 2 ao với diện tích hơn 1.000m2, thả hơn 10kg cá giống (trắm, rô phi đơn tính…). Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng rau, quả sạch mang lại, với diện tích đất gần 2.000m2 của gia đình, chị Pỏm kết hợp trồng xen canh gối vụ với đủ các loại rau, quả như: dưa chuột, mướp đắng, bí đao, bắp cải… Mùa nào rau quả ấy, gia đình chị lúc nào cũng có nguồn hoa màu để cung ứng cho thị trường. Đến nay, mỗi năm gia đình chị thu về tổng số tiền trên 50 triệu đồng, nhờ đó gia đình chị vươn lên thoát nghèo bền vững.
Còn nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của chị em phụ nữ huyện Phong Thổ đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng rau sạch của chị Vàng Thị Nhín ở bản Vàng Pheo, xã Mường So. Chị Nhín tâm sự: “Tôi là con út trong gia đình có 10 anh chị em. Năm 20 tuổi tôi xây dựng gia đình, đông con nên bố mẹ cũng không có điều kiện hỗ trợ, vợ chồng tôi lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Những năm đầu ra ở riêng, cuộc sống của tôi rất khó khăn”. Đến năm 2014, thông qua Hội Phụ nữ, gia đình chị được vay 30 triệu đồng vốn để đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau với diện tích hơn 2.000m2. Trung bình mỗi năm, gia đình chị thu hoạch 4 vụ rau, quả với đầy đủ các loại. Trừ chi phí, thu về 40 triệu đồng/năm. Số tiền thu được từ nuôi cá, trồng rau, chị tái đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với 35 con lợn, 150 con gà. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị đến nay khoảng 80 triệu đồng. Nhờ đó, chị có điều kiện chăm lo cho các con đi học, sửa sang nhà cửa khang trang.
Những việc làm thiết thực của Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ không những giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, được chị em phụ nữ tin tưởng mà còn góp phần làm cho phong trào của hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Bài và ảnh Vương Trang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tăng trưởng mới về tín dụng chính sách tại Yên Bái
- » Góp sức xây dựng nông thôn mới
- » Giảm nghèo phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức
- » Cư Jút với tín dụng chính sách
- » NHCSXH tham dự Hội nghị thường niên APRACA lần thứ 66
- » Ngôi nhà chung của hộ nghèo
- » Giúp hội viên cải thiện cuộc sống
- » Trò nghèo vững bước tới trường
- » Thoát nghèo bền vững từ đồng vốn ưu đãi
- » Hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS