Đắk Lắk tăng cường thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội
Cùng với việc tuyên truyền rộng rãi Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, các văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương về tín dụng chính sách xã hội trên các phương tiện truyền thông, tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và thực hiện học tập, phổ biến chính sách mới của Đảng về tín dụng chính sách tới toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn đơn vị, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể cơ sở tập trung củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của mạng lưới 4.472 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đơn vị cũng tập trung đổi mới nội dung các cuộc họp giao ban của NHCSXH tại Điểm giao dịch với sự có mặt đông đủ của đại diện cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó còn tranh thủ huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương, từ các tổ chức, doanh nghiệp nhằm bổ sung nguồn vốn chính sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng.
Đồng vốn vay từ NHCSXH không những tạo đà cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Đắk Lắk vượt nghèo khó mà còn góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Từ việc thụ động trong lề lối canh tác ruộng vườn, chăn nuôi, ngày nay, đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng cao biên giới Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Buôn Hồ, Cư Mgar… đã biết cách lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp và đưa tiến bộ KHKT lồng ghép với sử dụng vốn vay chính sách đầu tư vào sản xuất, đạt hiệu quả cụ thể.
Gia đình ông Lưu Ngọc Thăng ở xã Rang Rê H, huyện Krông Bông trước đây chỉ làm thuê theo công, ăn bữa nay lo bữa mai. Nhưng từ 20 triệu đồng vay vốn chính sách, ông Thăng đã học hỏi, biết đầu tư chăn nuôi, mỗi năm 2 lứa vịt, mỗi lứa từ 1.000 đến 1.500 con. Từ đó kinh tế nhà ông ngày càng khấm khá, hết cảnh túng thiếu.
Gia đình chị H Rin Nie, người Ê Đê và anh Trần Văn Nam tại xã E A Đrông, xã duy nhất còn thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn của thị xã Buôn Hồ vốn trước đây cũng rất nghèo khó, thiếu vốn sản xuất. Năm 2010 gia đình được Tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn En Lgok B bình xét được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi. Với số tiền đó, gia đình chị H’Rin Nie mạnh dạn nuôi heo nái, trồng cà phê, tiêu giống mới. Nhờ chăm sóc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên 2 con heo nái khỏe mạnh, sinh sản đều đặn và 1,3ha cà phê và tiêu xanh tốt, cho thu hái gần 2 tấn hạt/năm, giúp gia đình ăn nên làm ra, có của để dành: “Gia đình mình đầu tư toàn bộ số tiền vay của NHCSXH vào chăn nuôi, trồng trọt, nay đã bán được 5 lứa heo giống, thu về 3 vụ cà phê năng suất. Vậy là hết khổ, còn trả hết nợ vay cho ngân hàng. Mới đây, nhà mình lại được địa phương xét duyệt vay tiếp 50 triệu đồng vốn chính sách dành cho những hộ mới thoát nghèo đấy. Vui lắm, cảm ơn Nhà nước rất nhiều”, chị H’Rin Nie khoe với chúng tôi.
Tính đến hết tháng 9/2015, tổng dư nợ NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đạt 3.176 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng so với năm 2014, với 205 nghìn hộ gia đình đang còn dư nợ. Bên cạnh đó, nhờ được quán triệt đầy đủ Chỉ thị của 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội, 9 tháng qua, hầu hết 15/15 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Đắk Lắk đã dành số tiền 14,7 tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nâng tổng số vốn ngân sách địa phương lên trên 134 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tử Ân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để phát huy hiệu quả tốt hơn nữa vốn chính sách, chi nhánh tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để mọi người dân biết và cùng thực hiện; đẩy mạnh sự phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, lồng ghép giữa các chương trình tạo điều kiện cho hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Bài và ảnh Ngọc Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Trên 25 triệu lượt hộ nghèo và các ĐTCS được tiếp cận vốn vay ưu đãi”
- » Có thu nhập cao và bảo vệ môi trường xanh, sạch
- » Điểm tựa thoát nghèo
- » Có nước sạch là nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tây Ninh tích cực đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống
- » Tín dụng chính sách trên miền núi cao biên giới Điện Biên
- » Khi Chủ tịch xã làm tín dụng chính sách
- » Hướng thoát nghèo của người dân Sơn La
- » Vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ Phước Tân làm giàu
- » Tăng trưởng mới về tín dụng chính sách tại Yên Bái