Tín dụng chính sách trên miền núi cao biên giới Điện Biên

29/10/2015
(VBSP News) Là tỉnh miền núi cao biên giới nằm ở khu vực Tây Bắc, Điện Biên có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu nhưng lại có tới 5 trong tổng số 10 đơn vị hành chính là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 110/130 xã đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, cùng với ý chí quyết tâm thoát nghèo và sự hỗ trợ về tín dụng chính sách của Nhà nước, đời sống đồng bào vùng cao nơi đây đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Vay được vốn, đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên đầu tư vào chăn nuôi

Vay được vốn, đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên đầu tư vào chăn nuôi

Dân số nơi đây ít nhưng tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, chủ yếu làm một vụ trong năm; hạ tầng cơ sở thấp kém, giao thông cách trở, nhất là vào mùa mưa, nhiều xã ở 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ không đi lại được bằng xe ô tô… Những khó khăn đó đã cản trở rất lớn đến các mặt hoạt động của NHCSXH, nhất là công tác giao dịch cho vay, thu nợ vốn chính sách tại xã.

Với tinh thần khắc phục khó khăn và nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, NHCSXH đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể đã xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch trải rộng đến tận xã, kể cả nơi rừng sâu, vùng đặc biệt khó khăn và miền biên giới hiểm trở. Thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác hơn 1.800 tỷ đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH đã được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, nguồn vốn chính sách không chỉ được ưu tiên phân bổ hỗ trợ các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, mà còn được các hội, đoàn thể, uỷ thác lồng ghép giữa việc vay vốn chính sách với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả sử dụng vốn vay rõ rệt, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Các tổ chức hội, đoàn thể ở vùng núi cao biên giới Điện Biên đã phối hợp nhịp nhàng với NHCSXH làm tốt vai trò là “cầu nối” giúp hội viên của mình vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình.

Để đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy được hiệu quả, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ huyện Mường Ảng thường xuyên bám sát các quy định, văn bản chỉ đạo của NHCSXH và của chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện công khai, dân chủ việc bình xét các đối tượng tuyên truyền các chủ trương chính sách tín dụng chính sách của Đảng, Nhà nước và động viên trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay vào chuyển dịch cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi.

Tiêu biểu có Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bua, xã Ảng Tở luôn ưu tiên những những tổ viên có hoàn cảnh nghèo khó hơn để vay vốn trước và thường xuyên gần gũi, khuyến khích mọi người tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi để đạt kết quả. Trong 2 năm qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bua đã giúp hơn 30 tổ viên vay vốn thoát nghèo và 25 em HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn kịp thời trang trải chi phí học tập.

Đáng kể đến 4.000 hội viên nông dân ở huyện Điện Biên trong 9 tháng năm 2015 đã vay được 141 tỷ đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Nguyễn Văn Hải cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả vốn vay cho thấy, hầu hết hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, trong đó nhiều hộ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển loại hình kinh tế gia trại, trang trại. Những hội viên đầu tư SXKD tiêu biểu trong phong trào xóa nghèo làm kinh tế giỏi như hộ nông dân Nguyễn Thị Lành ở xã Núa Ngam, xây dựng dây chuyền chế biến nông sản thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm; hộ nông dân Lò Văn Pâng ở xã Nà Tấu nhờ vay vốn ưu đãi mở rộng mô hình VAC, lãi 300 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động quanh bản làng.

Bài và ảnh Mỹ Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác