Khi Chủ tịch xã làm tín dụng chính sách
Triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng và văn bản số 4777 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách… và củng cố kiện toàn thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, có thể thấy hiệu quả qua các chỉ số hoạt động 9 tháng năm 2015 của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, 100% huyện, thành phố đã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tỷ lệ hội viên gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 90%, tỷ lệ thu lãi đạt 98,7%.
NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cũng đã cho vay hoàn thành 99,3% kế hoạch tín dụng năm 2015, với tổng doanh số cho vay trên 621 tỷ đồng cho 31.051 lượt hộ vay, tăng trên 71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, đạt mức tăng trưởng 13%. Tổng dư nợ đến hết tháng 9/2015 là 2.299,5 tỷ đồng với 99,96 nghìn hộ dư nợ, tăng 137 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 6,3% và đạt 99,3% kế hoạch.
Ông Đặng Ngọc Tuyền - Chủ tịch UBND xã Gia Hiệp, huyện Di Linh cho biết về tình hình hoạt động tín dụng chính sách xã hội: Các thôn trong xã thực hiện bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Toàn xã có 34 hộ/119 khẩu được xếp vào diện hộ nghèo (chiếm 1,33%), trong đó có 14 hộ/53 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ cận nghèo có 63 hộ/295 khẩu. Ông Tuyền sinh sống ở xã Gia Hiệp từ nhỏ, làm Chủ tịch xã được 2 khóa, nên tình hình từng hộ dân trong xã ông đều nắm rất rõ. Ông cho rằng, chủ trương đưa Chủ tịch cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện có nhiều cái lợi, mặc dù được biết Chủ tịch sẽ bận rộn, trách nhiệm và nặng nề hơn. Đó là, do nắm rất rõ và rất chắc tình hình địa phương, mọi chuyện sẽ được điều hành và thực hiện thông suốt.
Trong công tác tín dụng chính sách, để nguồn vốn thực chất đến với hộ nghèo, tránh tình trạng xâm tiêu, Chủ tịch UBND xã phải biết được chính xác gia cảnh từng hộ, đăng ký đúng thực chất, đúng đối tượng. Khi người vay mang vốn về, sử dụng đúng mục đích không, sử dụng có hiệu quả không, thì hàng xóm biết, thôn biết; nếu có sự cố, Chủ tịch cũng được báo cáo và giải quyết kịp thời. Phó Chủ tịch không phải không làm việc tốt, mà do tình hình ở mỗi xã sẽ khác nhau. Phó Chủ tịch không nằm trong danh sách cấp ủy, hoặc chỉ quản lý một số công việc, thẩm quyền không bao trùm hết, nên sẽ không thể bao quát hết các hoạt động từ thôn, tổ… Mục tiêu của UBND cấp xã cũng không phải là đi đòi nợ cho NHCSXH, nhưng phải có trách nhiệm để giải quyết vấn đề tới nơi, tới chốn và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Chủ tịch cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện vất vả và mất thời gian hơn nếu quan tâm và có trách nhiệm thực sự, nhưng mọi việc sẽ dễ dàng đi vào guồng máy tốt hơn.
Chính thức vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, Chủ tịch cấp xã cũng phải thực hiện các chế độ báo cáo thường xuyên. Chủ tịch cấp xã sẽ phải tham dự phiên họp của HĐQT NHCSXH cấp huyện và đóng góp ý kiến vào báo cáo hàng quý. Những công việc khác, từ trước đến nay, thực tế ở cương vị là người đứng đầu chính quyền cấp xã, Chủ tịch đã phải nắm hết. Ông Nguyễn Minh Trang - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, cũng cho biết: “Trong xã, nhà nào tôi cũng nắm hết. Tôi lại là dân ở đây, nên ai cũng biết, nhà nào có hiếu hỉ đều mời tôi. Mình gắn bó lâu, tình cảm nhiều, tâm tư của bà con mình cũng nắm. Vì vậy, khi gặp vấn đề phải giải quyết có tình, có lý, giải quyết ôn hòa. Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trước tiên phải bình xét công khai, dân chủ, không thể để người nghèo đã khó khăn lại phải tâm tư… Chủ tịch xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, việc điều hành, chỉ đạo sẽ tốt hơn và dễ hơn, đảm bảo việc phân công trách nhiệm đến các đầu mối trong xã. Nhưng, cái khó là Chủ tịch cấp xã đã nhiều việc quá. Hôm họp Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện lần đầu tiên, tôi là thành phần tham dự chính thức của 3 cuộc họp. Vì vậy, chủ trương có một cán bộ chuyên trách giúp việc cho Chủ tịch xã trong công tác tín dụng chính sách sẽ hạn chế được các sơ suất. Công việc sẽ dần ổn định, hoạt động tín dụng chính sách đã là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch thường xuyên của địa phương”.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Thị Huệ cho biết: Chủ tịch xã là người gần dân, sát dân. Hơn nữa, Chủ tịch cấp xã chắc chắn nằm trong danh sách cấp ủy, nên phối hợp với cấp ủy địa phương điều hành hiệu quả hơn. Triển khai các chương trình tín dụng chính sách ở cấp xã bình thường đều gắn với những công việc khác, như việc bình xét cho vay, đối tượng vay, phân bổ vốn… Chủ tịch cũng phải nắm tình hình. Nay Chủ tịch cấp xã chính thức là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch cấp xã trong điều hành hoạt động tín dụng chính sách, góp phần tăng cường hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách hơn, giúp người vay sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, có điều kiện học tập, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập… góp phần ổn định tình hình an sinh xã hội ở địa phương.
Lê Hoa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hướng thoát nghèo của người dân Sơn La
- » Vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ Phước Tân làm giàu
- » Tăng trưởng mới về tín dụng chính sách tại Yên Bái
- » Góp sức xây dựng nông thôn mới
- » Phụ nữ Phong Thổ giúp nhau phát triển kinh tế
- » Giảm nghèo phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức
- » Cư Jút với tín dụng chính sách
- » NHCSXH tham dự Hội nghị thường niên APRACA lần thứ 66
- » Ngôi nhà chung của hộ nghèo
- » Giúp hội viên cải thiện cuộc sống