Đổi thay ở vùng nông thôn mới Lâm Đồng
Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Thanh Lân, cho biết: Chi nhánh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hội, đoàn thể các cấp chú trọng công tác tuyên truyền công tác vay vốn, sử dụng vốn chính sách với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời đẩy mạnh việc huy động mọi nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải nguồn vốn ưu đãi cho vay kịp thời đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua nguồn vốn chính sách, người dân ở vùng cao nam khu vực Tây Nguyên này không những nâng cao ý thức trách nhiệm mà còn sử dụng có hiệu quả hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trên 15 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn. Chương trình tín dụng NS&VSMTNT đã góp phần quan trọng vào hoàn thành thực hiện tiêu chí môi trường, 1 trong 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới ở các huyện vùng cao Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm và Di Linh…
Đặc biệt, 8 tháng qua, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã giải ngân hơn 410 tỷ đồng, cho 20.505 lượt hộ vay; trong đó có 2.178 hộ nghèo, 7.2005 hộ cận nghèo và hàng chục nghìn hộ DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đến nay, tổng dư nợ vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 2.233 tỷ đồng với 100.158 hộ còn dư nợ, tăng 71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, đạt 99,2% kế hoạch. Chính nguồn vốn này được ví như “công cụ hỗ trợ số 1” giúp cả huyện Lạc Dương và nhiều xã ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương… về đích trước thời gian về tiêu chí tỷ lệ nghèo và tăng thu nhập, tạo việc làm của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như xã Lạc Xuân là xã thuần nông của huyện Đơn Dương, đời sống của bà con gặp không ít khó khăn. Từ khi có nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã giúp nông dân nơi đây tìm ra hướng thoát nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Gia đình chị Nai Lim ở thôn La Boong là một điển hình. Năm 2012, Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét gia đình chị được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế và trang trải chi phí học tập của con cái. Nhờ gần 100 triệu đồng vay của hộ nghèo và chương trình tín dụng HSSV, chị đã trồng xanh tốt 6 sào dưa leo, cà chua không hạt, bắp cải giống mới, thu lãi ròng đến 70 triệu đồng/năm, đồng thời cả 3 cô con cái của chị được ăn học đại học ngoài thành phố, nay đã ra trường có việc làm ổn định, cùng bố mẹ trả toàn bộ nợ vay cho ngân hàng trước hạn.
Cùng với chị Nai Lim, nhiều hộ gia đình ở xã Lạc Xuân đã nhờ nguồn vốn ưu đãi mạnh dạn đầu tư thâm canh vườn rau, phát triển đàn gia súc, gia cầm, vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả. Bà Ma Ước - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hiện nay xã Lạc Xuân có tổng dư nợ với NHCSXH huyện Đơn Dương 21,8 tỷ đồng, đạt mức thu nhập 25,8 triệu đồng/người/năm và chỉ còn 3,1% hộ nghèo, 3,2% hộ cận nghèo. Nguồn vốn ưu đãi là trợ lực lớn để người dân phát triển kinh tế, hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2014.
Thành quả mang lại cho người dân vùng đất nam Tây Nguyên từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã được thực tiễn chứng minh; Để góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động chú trọng các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng các chương trình tín dụng; thực hiện chuyển nguồn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người dân phát triển kinh tế chung tay cùng địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Phương Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn vay ưu đãi đã đến tận tay hộ cần vốn
- » Tăng hiệu quả chính sách từ cải cách hành chính
- » Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều
- » Vốn vay nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế lớn
- » Gia đình nghèo đỡ gánh nặng học phí cho con
- » Đồng hành cùng nhà nông
- » Duy trì nguồn lực hỗ trợ đối với hộ cận nghèo
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Quỹ Nippon giúp tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật
- » Thêm động lực để thoát nghèo bền vững