Tăng hiệu quả chính sách từ cải cách hành chính

17/09/2015
(VBSP News) 12 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, hiện đã có 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, hỗ trợ 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... Đó là những con số biết nói về hiệu quả thực thi nhiệm vụ chính trị của NHCSXH, trong đó, có một phần đóng góp quan trọng từ công tác cải cách hành chính.
Giải ngân vốn ưu đãi ngày tại Điểm giao dịch xã giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn, tiết kiệm thời gian, chi phí

Giải ngân vốn ưu đãi ngày tại Điểm giao dịch xã giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn, tiết kiệm thời gian, chi phí

Từ cải cách thủ tục

Sau một chặng đường chủ động triển khai kịp thời Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 21/12/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH… đến nay, NHCSXH đã thực thi đơn giản hóa được 100% thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của đơn vị, đảm bảo thời hạn quy định.

Thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH được quy định rõ ràng, đơn giản đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách tín dụng của Nhà nước.

Đồng thời, để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân trong việc thực hiện thủ tục, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ NHCSXH và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục, giấy tờ.

Việc NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã vào ngày cố định hàng tháng, tạo nên hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện, có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân.

Hàng tháng tại các phiên giao dịch xã, NHCSXH đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban, trao đổi, lắng nghe, tiếp thu những tâm tư nguyện vọng, ý kiến đề nghị của người dân địa phương để kịp thời giải quyết những nguyện vọng, vướng mắc của người dân; kịp thời phân loại xử lý và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền thêm sâu rộng khi được phối hợp, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, sinh hoạt hội, đoàn thể. Một số địa bàn dân tộc miền núi còn tổ chức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc với các nội dung phù hợp với phong tục tập quán của người dân từng vùng, miền, góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Đến hoàn thiện quy trình

Cải cách hành chính không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính mà đôi khi là cần bổ sung thêm những quy trình thủ tục để các dịch vụ, chính sách có thể thẩm thấu tốt nhất. Câu chuyện về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là một minh chứng thực tế.

Mặc dù trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã đã được quy định tại Điều 27 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, nhưng chỉ đến khi trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở được khẳng định với việc Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, hoạt động tín dụng chính sách mới được cụ thể hoá vào hoạt động định kỳ của xã, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nếu như trước đây, việc đôn đốc thu hồi nợ quá hạn có nơi gặp nhiều khó khăn do hộ vay thiếu ý thức trả nợ, hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, thì khi Chủ tịch UBND xã là thành viên ban đại diện HĐQT huyện, trực tiếp chỉ đạo Tổ đôn đốc, thu hồi nợ khó đòi, cương quyết xử lý bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, động viên, yêu cầu hộ vay cam kết trả nợ vay;… kết quả thu nợ, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn… cao hơn nhiều so với trước.

Kết quả thí điểm mô hình này của NHCSXH tại 3 tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An năm 2014 càng minh chứng hiệu quả chính sách từ sáng kiến này khi tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng từ 74,1% (trước thí điểm) lên 84,67%. Số dư tiền gửi tiết kiệm tăng 77 tỷ đồng (từ 162 tỷ đồng lên 239 tỷ đồng). Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của các xã có chuyển biến đồng đều hơn. Vì vậy, đầu năm 2015, Chính phủ đồng ý áp dụng mô hình này trong toàn quốc.

Không chỉ đáp ứng theo yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ, cùng với định hướng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của TCTD đối với người dân và doanh nghiệp của NHNN, NHCSXH luôn xác định đây là mục tiêu theo đuổi lâu dài.

Vì vậy mặc dù, không được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ tại Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 06/1/2015 về Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015, nhưng NHCSXH vẫn chủ động tổ chức rà soát, đánh giá, đơn giản hóa, chuẩn hóa lại toàn bộ thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH. Kết quả là 112/134 thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH được chuẩn hóa.

Trên cơ sở kết quả rà soát, NHCSXH đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; 22/134 thủ tục giải quyết công việc không phù hợp đã được cắt giảm, đơn giản hóa tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong các giao dịch với ngân hàng. 

Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác