Pù Bin với tín dụng chính sách
Pù Bin là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mai Châu. Bà con trong xã chủ yếu là người dân tộc Thái. Cuộc sống chủ yếu dựa vào đồi rừng, song việc canh tác kém hiệu quả, thiếu vốn nên cuộc sống của nhiều hộ quanh năm nghèo khó. Nút thắt này, thời gian gần đây đã được tháo gỡ, bởi việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, thay đổi cơ cấu nông, lâm, nghiệp. Nhiều gia đình đã mở rộng chăn nuôi, trồng rừng; có hộ nuôi bò thịt, bò sinh sản, nuôi lợn… Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng, hay từ những dự án giảm nghèo, bà con đã phát huy được tiềm năng đất đai.
Gia đình anh Khà Văn Hiền, Khà Văn Át ở xóm Nà Lụt là một ví dụ. Nhớ lại mấy năm về trước, kinh tế gia đình các hộ này chỉ trông vào mấy sào ruộng. Đất đồi rừng có nhiều, nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất, không biết áp dụng KHKT nên mặc dù chịu khó làm ăn đến mấy thì cũng chỉ đủ ăn. Khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, mở các lớp dạy cách thức làm ăn mới, đặc biệt là NHCSXH cho những hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp, gia đình họ được bình xét cho vay vốn NHCSXH đầu tư chăn nuôi lợn, bò và làm nương đã thoát nghèo năm 2013. Từ năm 2014, các hộ này được vay 20 triệu đồng vốn hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư chăn nuôi để giảm nghèo bền vững. Hay hộ anh Hà Văn Phúc ở xóm Xà Lòng được vay 30 triệu đồng cũng từ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh đầu tư chăn nuôi, làm ăn hiệu quả. Năm 2014 hộ anh Phúc đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
Ông Hà Văn Thiền, cán bộ chuyên trách giảm nghèo xã Pù Bin cho biết: Hiện toàn xã có 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 312 hộ sử dụng vốn của NHCSXH thực hiện 6 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ gần 6 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo chiếm cao nhất với 179 hộ vay dư nợ trên 3,4 tỷ đồng, hộ cận nghèo có 58 hộ vay dư nợ trên 1,2 tỷ đồng… Tổ chức hội, đoàn thể cấp xã đã phối hợp với cán bộ NHCSXH tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua việc sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện tuyên truyền đến các hộ vay vốn về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, trách nhiệm của người vay vốn, đưa hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn đi vào nề nếp đúng theo quy ước của tổ đã đề ra.
Thông qua vay vốn, người nghèo đã được tiếp cận với KHKT, được hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích. Nguồn vốn chính sách đến tay bà con trong xã giống như nắng hạn gặp mưa. Đây có thể coi là tiền đề giảm nghèo cho mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Vốn ưu đãi đã có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là đối với những hộ nghèo và hộ cận nghèo. Năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã trên 51% đến nay đã giảm xuống còn khoảng 45%.
Bài và ảnh Hải Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những triệu phú trên miền sơn cước
- » Cần chú trọng tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách địa phương
- » “Ông Đức chính sách”
- » Hà Tĩnh dành 30 tỷ đồng cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Đồng bào DTTS Thái Nguyên thoát nghèo từ vốn ưu đãi
- » Đổi thay ở vùng nông thôn Yên Khánh
- » Lập nghiệp từ nguồn vốn nhỏ
- » Phó Thống đốc NHNN - Ủy viên HĐQT NHCSXH Nguyễn Đồng Tiến làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ
- » Đem đồng vốn chính sách đến với người nghèo
- » “Cầu nối” giúp hội viên làm giàu