Cần chú trọng tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách địa phương

08/09/2015
(VBSP News) Trao đổi với phóng viên về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành (ảnh) cho rằng: Nên quan tâm dành một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn vốn giảm nghèo tại địa phương.

Phóng viên: Qua giám sát, ông đánh giá như thế nào về công tác giảm nghèo theo các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH tại Gia Lai?

Trả lời: Qua theo dõi, giám sát tôi cho rằng công tác giảm nghèo theo các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 3.000 tỷ đồng, với gần 139 nghìn hộ còn dư nợ. Theo đó, các chương trình tín dụng đều tăng so với đầu năm, như: cho vay hộ cận nghèo tăng trên 143 tỷ đồng; NS&VSMTNT tăng 79 tỷ đồng; hộ nghèo tăng xấp xỉ 5 tỷ đồng…

NHCSXH tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đẩy mạnh tăng trưởng đi đôi với củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Từ đó, đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Vì thế, mà theo tôi tín dụng chính sách là một chính sách phát huy tác dụng hiệu quả rất tốt trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian vừa qua.

Phóng viên: Theo ghi nhận của ông thì đồng vốn vay đã đáp ứng nhu cầu của người dân chưa và họ mong muốn những gì từ NHCSXH và UBND tỉnh, thưa ông?

Trả lời: Theo tôi, thì đồng vốn vay của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, qua công tác tiếp xúc cử tri và giám sát thì còn không ít hộ dân có nhu cầu vay vốn lớn hơn hạn mức của NHCSXH, hộ thuộc diện cận nghèo lại muốn vay lãi suất ưu đãi như hộ nghèo, thậm chí có hộ có sức lao động nhưng vay vốn không biết cách sử dụng sao cho hiệu quả…

Thông qua giám sát và tiếp xúc cử tri thì phần lớn những phản ánh của người nghèo là mong muốn NHCSXH cho vay với số vốn lớn hơn, thời hạn cho vay dài hơn hiện tại. Đối với UBND tỉnh thì họ đề nghị được sớm giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, giải quyết việc làm.

Hồ tiêu - cây giúp người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai ổn định kinh tế

Hồ tiêu - cây giúp người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai ổn định kinh tế

Phóng viên: Ông có ý kiến đóng góp, đề xuất gì với chính quyền địa phương và NHCSXH trong công tác giảm nghèo bền vững tại Gia Lai, thưa ông?

Trả lời: Theo tôi, phần lớn các phản ánh trên là chính đáng, NHCSXH và chính quyền địa phương cần tiếp thu và có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn; đối với những ý kiến phản ánh của người dân thiếu cơ sở không thể giải quyết cũng phải giải thích tận tình và thuyết phục. Tôi kiến nghị UBND tỉnh, NHCSXH quan tâm một số vấn đề sau.

Thứ nhất, UBND tỉnh sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho hộ nghèo. Trong đó, có đề nghị Chính phủ cho chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, quan tâm dành một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn vốn giảm nghèo tại địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo có hiệu quả hơn công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, NHCSXH tỉnh Gia Lai tranh thủ nguồn vốn của TW, địa phương, phấn đấu tăng trưởng dư nợ hàng năm theo chỉ tiêu được giao. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể theo dõi, kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay; chú trọng đầu tư đúng đối tượng, nâng dần mức cho vay bình quân/hộ đáp ứng đủ vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất từng bước thoát nghèo bền vững, đồng thời, cần có giải pháp phù hợp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.

Cuối cùng, đối với người dân, nhất là các hộ nghèo, cũng cần phải nâng cao ý chí, tự lực để vươn lên thoát nghèo, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Có như vậy công tác giảm nghèo mới bền vững và hiệu quả cao.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Thăng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác