Dứt nghèo từ một chủ trương đúng

31/08/2015
(VBSP News) Thoát nghèo không có nghĩa là cái nghèo không còn đeo đẳng. Việc chấm dứt thực trạng tái nghèo, hạn chế rủi ro đồng vốn ưu đãi là điều cần thiết. Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo là kịp thời, đúng đắn, giúp các hộ mới thoát nghèo tiếp tục hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tại NHCSXH để có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Từ ngày 05/9/2015 hộ mới thoát nghèo trong cả nước sẽ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để SXKD

Từ ngày 05/9/2015 hộ mới thoát nghèo trong cả nước sẽ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để SXKD

Trước đây, Quảng Bình là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của cả nước. Nhờ có chủ trương, chính sách đúng, kịp thời và thực hiện đúng “tiến độ” nên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm rõ rệt. Riêng đối với NHCSXH tính đến hết tháng 7/2015 doanh số cho vay đạt 374 tỷ đồng, tăng 82 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số chương trình có doanh số cho vay lớn như cho vay hộ cận nghèo 174 tỷ đồng, hộ nghèo 82 tỷ đồng… Bên cạnh đó, doanh số thu nợ đạt 295 tỷ đồng, trong đó chương trình hộ nghèo thu tới 122 tỷ đồng, HSSV 91 tỷ đồng…

Theo thống kê của Sở LĐTB-XH, số hộ mới thoát nghèo trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 của tỉnh Quảng Bình có khoảng 30 nghìn hộ. Đây là con số khá cao nếu không có chính sách cho vay kịp thời thì khả năng tái nghèo cho những hộ này sẽ rất dễ xảy ra.

Tâm sự với chúng tôi anh Trần Tiến Lực ở thôn Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, cho biết: Là hộ nghèo, năm 2010 tôi được vay 30 triệu đồng mở trang trại chăn nuôi bò, với nguồn vốn ưu đãi này gia đình tôi từng bước có nguồn thu nhập ổn định, sắm sửa được một số tài sản. Năm 2012 sau rà soát hộ nghèo gia đình tôi thuộc diện hộ thoát nghèo, tuy nhiên tôi vẫn gặp những khó khăn nhất định, nguyện vọng của gia đình tôi là mong tiếp tục được vay thêm từ 50 triệu đến 100 triệu đồng để mở rộng phát triển kinh tế, chính vì vậy việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững là rất thực tế…

Anh Cao Ngọc Ninh ở thôn Hồng Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng có hoàn cảnh như gia đình anh Lực. Được vay vốn ưu đãi 30 triệu để nuôi bò sinh sản. Hiện đàn bò phát triển tốt cho thu nhập bình quân đầu người 700 nghìn đồng/tháng. “Năm 2012 gia đình anh được thông báo “thoát nghèo” nhưng kỳ thực ranh giới giữa nghèo và mới thoát nghèo mong manh lắm, vì vậy tôi rất mong được vay thêm để phát triển trang trại”, anh Ninh nói.

Gia đình chị Đinh Thị Thu Hà ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa phấn khởi cho biết: Gia đình tôi được đưa vào diện mới thoát nghèo từ năm 2013. Nói thoát nghèo vậy chứ điều kiện kinh tế của gia đình đang rất khó khăn, tôi đang suy nghĩ làm sao vay thêm vốn để tiếp tục phát triển sản xuất, không phải rơi vào tình cảnh nghèo khó nữa, giờ thì có cơ hội rồi, vợ chồng tôi vui lắm…

Chị Đinh Thị Thu Hiền ở tiểu khu 4, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa hồ hởi: “Tôi đang bàn với chồng vay thêm vốn để mở dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ nhưng chưa có nguồn vốn nào để vay thích hợp, giờ thì yên tâm rồi, con cái sắp vào học cũng không phải lo chạy xuôi, chạy ngược. Cám ơn Nhà nước đã hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con, giúp người dân bớt được nỗi lo về kinh tế”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa Trần Ngọc Doãn cho hay: Từ năm 2012 đến 2015 toàn xã có 474 hộ thoát nghèo và cận nghèo, địa phương cũng từ đó giảm được tỷ lệ hộ nghèo đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo vẫn cao, vì vậy chính sách về cho vay hộ mới thoát nghèo của Chính phủ là đúng đắn, hợp lý và thiết thực với bà con.

Bài và ảnh Phương Hiền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác