“Cầu nối” giúp hội viên làm giàu
Sau 12 năm tham gia quản lý vốn tín dụng ưu đãi, dư nợ của Hội CCB các cấp nơi cao nguyên có 29 dân tộc cùng nhau sinh sống này đã đạt trên 38 tỷ đồng với 2.492 hộ gia đình hội viên ở 61 Tổ tiết kiệm và vay vốn được vay vốn. Ngoài ra, Hội CCB huyện Ea Súp đang quản lý hàng chục dự án, tiểu dự án vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền tới cả tỷ đồng.
Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, Hội CCB huyện Ea Súp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhiều cuộc tham quan trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về sử dụng nguồn vốn chính sách cũng như đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất cho các hội viên ở 10 xã, thị trấn. Cùng với đó, hội đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn và bầu chọn đội ngũ Ban quản lý tổ có năng lực, nhiệt tình với công việc quản lý nguồn vốn chính sách, đồng thời làm tốt việc hướng dẫn tổ viên vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cũng như tích cực đôn đốc các hội viên vay vốn trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn, đầy đủ cho ngân hàng.
Thông qua nguồn vốn uỷ thác qua Hội CCB, nhiều hội viên đã đầu tư có kết quả trong sản xuất, vươn lên thoát nhèo, làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như CCB Nông Văn Sảo, người dân tộc Tày từ Cao Bằng vào Tây Nguyên lập nghiệp, với 2 bàn tay trắng, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất xã, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét đã 2 lần tiếp cận tới nguồn vốn chính sách đầu tư nuôi bò sinh sản, đến nay cơ ngơi đã có đàn bò hàng chục con, trị giá hàng trăm triệu đồng. Cùng ở huyện Ea Súp, còn có CCB Y Thống ở buôn Sư Súp MĐưng đã sử dụng toàn bộ số tiền vay từ chương trình hộ nghèo và giải quyết việc làm khai phá đất đồi trồng cao su và phát triển chăn nuôi lợn giống. Tính ra trang trại của CCB Y Thống hàng năm thu nhập trên 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại chỗ.
Hiện nay, Hội CCB huyện Ea Súp đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và NHCSXH trên địa bàn, thực hiện đầy đủ nội dung các văn bản uỷ thác được ký kết, tập trung tuyên truyền nội dung các chế độ, chính sách mới của Nhà nước về tín dụng chính sách, mặt khác rất coi trọng công tác tổ chức, củng cố chất lượng hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, coi đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình thực hiện uỷ thác vay vốn chính sách. Cụ thể, từ đầu năm 2015 đến nay, hội đã chỉ đạo hướng dẫn các xã thành lập củng cố được 61 tổ, trong đó hơn 80% là hội viên CCB đảm bảo đủ năng lực, nhiệt tâm để làm “cầu nối” giữa Hội CCB với NHCSXH và người nghèo trong việc vay vốn, sử dụng vốn chính sách đạt hiệu quả.
Thực tế ở vùng biên giới Ea Súp cho thấy phương thức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính khác sách thông qua các hội, đoàn thể, trong đó có Hội CCB làm uỷ thác không chỉ tiến hành công khai, minh bạch mà còn giảm được rủi ro, thất thoát vốn của Nhà nước, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng xã hội, của từng hộ gia đình trên con đường giúp nhau xóa nghèo, làm kinh tế giỏi, cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực cùng địa phương đẩy nhanh việc hoàn thành chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Ngọc Phúc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Xóa đói, giảm nghèo - Chủ trương nhất quán của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước
- » Dứt nghèo từ một chủ trương đúng
- » Tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo
- » Thoát nghèo nơi thâm sơn
- » Kiên trì đưa vốn chính sách về Xứ Quảng
- » Nỗ lực để giảm nghèo bền vững
- » Vươn lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đột phá để nâng cao chất lượng tín dụng
- » Hiệu quả xã hội và kinh tế của chương trình tín dụng HSSV
- » Hiệu quả vốn chính sách ở vùng cao Thanh Lương