Xóa đói, giảm nghèo - Chủ trương nhất quán của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước

01/09/2015
(VBSP News) Thúc đẩy công tác xoá đói, giảm nghèo (XĐGN) luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi đó là một mục tiêu quan trọng phát triển đất nước. 70 năm qua, dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ, cũng chính là “diệt giặc đói” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công.
Tín dụng chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định xã hội

Tín dụng chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định xã hội

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Ngay từ khi nước ta giành được độc lập năm 1945, Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định đói nghèo như là một thứ “giặc”, cũng như giặc dốt, giặc ngoại xâm, cần đưa ra mục tiêu phấn đấu để nhân dân lao động thoát khỏi đói nghèo, làm cho mọi người có việc làm, ấm no, hạnh phúc. Ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra chiến dịch cứu đói và tăng gia sản xuất - một trong 6 công việc cấp bách cần làm ngay. Nhiều quyết sách XĐGN đã được Đảng, Nhà nước đặt ra.

Bước sang thời kỳ đổi mới, công tác XĐGN vẫn luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu với nhiều chính sách đổi mới theo hướng chuyển đổi “từ nền kinh tế tập trung bao cấp, sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước”, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và XĐGN.

Đặc biệt từ năm 1986, khởi đầu công cuộc đổi mới, một mặt Đảng khuyến khích mọi người trong các thành phần kinh tế làm giàu hợp pháp, mặt khác tích cực chỉ đạo thực hiện XĐGN trong cả nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ V BCH TW khoá VII (tháng 6/1993) đã chỉ rõ: “Trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Hình thành Quỹ XĐGN ở từng địa phương trên cơ sở dân giúp dân, Nhà nước giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong nước và quốc tế. Phấn đấu tăng số hộ giàu đi đôi với XĐGN”.

Chủ trương XĐGN của Đảng đã trở thành cuộc vận động lớn, khởi đầu ở thành phố Hồ Chí Minh (năm 1992), tiếp đến là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Khu IV, Khu V cũ, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ… Đến tháng 12/1995 cả 53 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có chương trình XĐGN, trong đó 49 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo XĐGN ở cấp tỉnh, huyện và xã.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã chú trọng xây dựng các nguồn lực cho XĐGN: nguồn lực về lao động và đất đai; nguồn lực về vốn; thực hiện chuyển giao công nghệ giúp đỡ hộ đói, nghèo tổ chức cuộc sống; thực hiện các chính sách xã hội khác đối với người nghèo như hỗ trợ về y tế, giáo dục, khai trương Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg) hỗ trợ về vốn vay…

Với sự đóng góp tích cực của NHNg trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 22,8% năm 1995 xuống còn 11% năm 2003, giúp cho trên 644 nghìn hộ thoát nghèo và trên 3 triệu hộ được vay vốn phát triển sản xuất.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về XĐGN, yêu cầu đặt ra là phải tập trung nguồn lực do Nhà nước huy động vào một tổ chức tín dụng duy nhất, nhằm tạo nên sức mạnh có tính đột phá, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, NHCSXH đã được thành lập trên cơ sở tổ chức lại NHNg.

Hơn 12 năm hoạt động, NHCSXH đã cho trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, trong đó có trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Vốn tín dụng chính sách đã thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, giúp 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, 700 chòi tránh lũ cho hộ nghèo, gần 102 nghìn căn nhà vượt lũ,…

Cùng với chính sách tín dụng ưu đãi, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ XĐGN như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020 (Chương trình 30a); Chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; Chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; Chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo… góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.

Kết quả giảm nghèo ấn tượng đối với cộng đồng thế giới

Nếu như năm 1993, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng 100 USD và có các chỉ số thấp kém về phát triển xã hội, thì hiện nay Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế có quy mô gần 154 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.700 USD. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 7,8% cuối năm 2013 (giảm 1,8%). Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8 - 2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%); dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Chính sách XĐGN của Việt Nam không chỉ nhằm giúp tăng thu nhập cho người nghèo mà còn giúp họ cải thiện sinh kế và tiếp cận với các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hòa nhập xã hội. Nhà nước cũng mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên lên trên 2,5 triệu người, tăng mức, mở rộng diện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, hỗ trợ gạo cho học sinh. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên toàn cầu về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ vì đã đạt được 5 trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt 3 mục tiêu nữa vào năm 2015. Việt Nam nằm trong số 38 quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc XĐGN.

Nếu nhìn vào lịch sử có thể thấy, từ một xã hội đói nghèo, lầm than, nô lệ, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã đưa dân tộc đứng lên làm cách mạng, xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ về kinh tế và có một xã hội tươi đẹp như hôm nay mới thấy hết những thành tựu to lớn. Những thành tựu đạt được đó đã khẳng định sự đúng đắn trong đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta học tập và làm theo lời dạy của Người.

70 năm đã qua kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, hào khí và những thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám luôn là nguồn động lực to lớn cổ vũ chúng ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bảo đảm cho đất nước hội nhập và phát triển bền vững, đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt những thành tựu mới. Chúng ta luôn nêu cao tinh thần tự chủ trong bảo vệ phát triển đất nước. Thực hiện trọn vẹn nguyện vọng của Bác Hồ, chủ trương của Đảng là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác