Đồng bào DTTS Thái Nguyên thoát nghèo từ vốn ưu đãi
Theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2007 - 2010, hộ đồng bào DTTS vùng khó khăn được vay 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0%. Hiện tỉnh Thái Nguyên có gần 2.700 lượt hộ được vay, với số tiền trên 12,6 tỷ đồng.
Tiếp theo Quyết định số 32, trước nhu cầu vay vốn ngày càng lớn của người dân, ngày 04/12/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015. Mức vay tối đa được nâng lên 8 triệu đồng/hộ, lãi suất ưu đãi 0,1%/tháng (1,2%/năm), thời hạn vay không quá 5 năm. Với Quyết định này đã tạo điều kiện cho các hộ vay có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho tất cả các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, mức lãi suất thấp cũng góp phần xóa bỏ tư tưởng “cho không” để một số người có tâm lý ỷ lại, nhưng đồng thời vẫn thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước trong chính sách tín dụng. Theo đó, đến nay, có trên 1.100 lượt hộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được vay vốn với số tiền 8,6 tỷ đồng.
Qua thực tế tìm hiểu tại một số hộ dân trên địa bàn 2 huyện là Định Hóa và Đại Từ, thì phần lớn các hộ vay để đầu tư chăn nuôi (lợn, trâu, bò) hoặc trồng trọt (trồng rừng và chè) - đúng với mục đích đăng ký sử dụng ban đầu và cơ bản phát huy hiệu quả, nhờ đó đã có nhiều hộ dân thoát được tình trạng khó khăn, ổn định đời sống.
Bà Nguyễn Thị In ở xóm Búc 2, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa chia sẻ: “Với số tiền vay 8 triệu đồng theo Quyết định số 54, gia đình tôi mới có điều kiện để mua 1 con trâu trị giá 16 triệu đồng về nuôi. Trước đó, gia đình tôi được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, sau đó tiếp tục được vay bổ sung 10 triệu đồng cũng từ nguồn vốn hộ nghèo. Từ khoản vay này, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 13 con dê sinh sản, hiện đã có tới 20 con và một phần dành để trồng rừng. Tuy chưa đến thời kỳ dê cho thu nhập nhưng tôi tin, chỉ 1 - 2 năm nữa, khi trâu và dê đến thời kỳ được bán, gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Nếu không được vay vốn thì chưa biết đến lúc nào, tôi mới dám nghĩ đến chuyện thoát nghèo. Tôi mong, Nhà nước nâng mức cho vay đối với các hộ DTTS đặc biệt khó khăn lên gấp 1,5 - 2 lần so với hiện nay, để chúng tôi có điều kiện hơn trong phát triển kinh tế gia đình”.
Cũng ở xóm Búc 2, gia đình chị Triệu Thị Khuyên khi được vay 5 triệu đồng theo Quyết định số 32, vợ chồng chị đã quyết định mua thêm 240m2 đất ruộng để nâng diện tích cấy lúa của gia đình lên 3 sào, nhờ đó, thời gian gia đình chị phải đi đong gạo ngoài để ăn đã giảm được từ 1 - 2 tháng so với trước đó.
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở xóm Tiền Phong, xã Đức Lương, huyện Đại Từ khi được vay 6 triệu đồng theo Quyết định 54 cũng đã thêm tiền của gia đình dành dụm được để mua 1 con trâu trị giá 17,5 triệu đồng. Do nguồn vốn có hạn trong khi nhu cầu vay vốn của người dân lại nhiều, nên hiện mới có 7/17 hộ thuộc diện DTTS đặc biệt khó khăn của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tiền Phong 1 được vay vốn theo Quyết định 54. Bởi thế, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổ trưởng mong muốn số tiền cho vay đối với các hộ này sẽ nâng lên từ 10 - 15 triệu đồng/hộ, để các gia đình có điều kiện mua được 1 con trâu hoặc đầu tư vào việc trồng trọt, chăn nuôi khác cũng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho hay: Hiệu quả đồng vốn vay những năm qua được phát huy khá tốt. Đã có 42% số hộ được vay theo Quyết định số 32 đến nay đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, còn các hộ vay theo Quyết định số 54 bước đầu cũng đã có những dấu hiệu tích cực. Ngoài việc được vay chương trình hộ DTTS đặc biệt khó khăn, các hộ này còn được vay theo các chương trình hộ nghèo, HSSV, NS&VSMTNT… Bởi thế, có nhiều hộ có dư nợ với NHCSXH lên tới 40 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, với riêng chương trình cho vay dành cho hộ DTTS đặc biệt khó khăn, do mức lãi suất thấp hơn hẳn so với các chương trình khác (chỉ là 1,2%/năm) nên nhu cầu của người dân được vay theo chương trình này rất lớn, nhưng mức được vay lại không cao và cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ các hộ thuộc đối tượng (chưa đến 30%) được vay, do nguồn vốn có hạn. Do đó, đề nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện việc cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, với mức vay cao hơn; việc ban hành chính sách cần đi đôi với việc cân đối nguồn lực về tài chính để thực hiện, bố trí đủ nguồn vốn theo kế hoạch cho các địa phương.
Bài và ảnh Lê Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đổi thay ở vùng nông thôn Yên Khánh
- » Đem đồng vốn chính sách đến với người nghèo
- » “Cầu nối” giúp hội viên làm giàu
- » Xóa đói, giảm nghèo - Chủ trương nhất quán của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước
- » Dứt nghèo từ một chủ trương đúng
- » Tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo
- » Thoát nghèo nơi thâm sơn
- » Kiên trì đưa vốn chính sách về Xứ Quảng
- » Nỗ lực để giảm nghèo bền vững
- » Vươn lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi