Thêm động lực để thoát nghèo bền vững
Không lo “đói” vốn vì thoát nghèo
Cuối năm 2014, gia đình chị Lê Thị Thu Huệ ở khu vực 1, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn thoát hẳn diện nghèo. Hàng ngày, chị Huệ bóc củ hành khô, thu nhập khoảng 60 nghìn đồng/ngày, chồng chị làm thợ hồ với ngày công khoảng 200 nghìn đồng. Vừa lo cho 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, 2 con lớn lại bị mắc bệnh thần kinh, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình anh chị phải tiết kiệm hết mức. Vậy nên, việc ra khỏi hộ nghèo làm anh chị hoang mang hết sức vì “hụt” đi nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi.
Cuối năm 2013, hộ chị Phan Thị Lực ở tổ 7, khu vực 8, phường Nhơn Phú cũng đứng trước nỗi lo khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi trong giai đoạn đầu đầy khó khăn khi thoát khỏi diện nghèo. Là phụ nữ đơn thân, cũng là người khuyết tật do tai nạn bỏng, chị Lực chọn nghề tạp hóa để mưu sinh. Lâu nay, nguồn lực chính để chị đầu tư mua bán cho cửa hàng tạp hóa là vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo. Khi ra khỏi diện nghèo, chị lại rơi vào cảnh thiếu vốn kinh doanh.
Những ngày tháng 9 này, nghe tin hộ thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi và hộ gia đình mình cũng thuộc diện được hỗ trợ tín dụng, chị Lực vui mừng hết sức. Chị tâm sự: “Tôi sẽ nhanh chóng tìm hiểu thêm về chính sách để vay vốn với lãi suất ưu đãi, từ đó có thêm cơ hội ổn định cuộc sống”.
Khẩn trương lập danh sách
Vì ranh giới hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo khá mong manh nên đối tượng mới thoát nghèo về cơ bản còn rất nhiều khó khăn, hoàn toàn có khả năng tái nghèo nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo được triển khai đã làm nức lòng người dân, giải tỏa tâm lý e ngại… thoát nghèo, là động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đối tượng được vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành được UBND cấp xã xác nhận có thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm được vay vốn sản xuất, kinh doanh với mức cho vay tối đa không quá 50 triệu đồng, trong thời hạn tối đa không quá 5 năm, lãi suất bằng 125% lãi suất cho vay hộ nghèo.
Kết quả điều tra, rà soát cuối năm 2014 của Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Định cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 9.700 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 2,37%. Hiện nay, UBND các xã, phường, thị trấn đang khẩn trương lập danh sách hộ mới thoát nghèo, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện phê duyệt và làm cơ sở xác nhận để NHCSXH các cấp cho vay.
Bài và ảnh Nguyễn Muội
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Tăng nguồn vốn cho người nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- » Nguồn vốn tạo động lực vượt khó
- » Pù Bin với tín dụng chính sách
- » Những triệu phú trên miền sơn cước
- » Cần chú trọng tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách địa phương
- » “Ông Đức chính sách”
- » Hà Tĩnh dành 30 tỷ đồng cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Đồng bào DTTS Thái Nguyên thoát nghèo từ vốn ưu đãi