Tăng nguồn vốn cho người nghèo
Nhờ sự thống nhất điều chuyển và phối hợp giữa các nguồn vốn phục vụ các chương trình tín dụng chính sách, từ năm 2016 trở đi, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm hàng trăm tỷ đồng để cho vay các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 24 quận, huyện.
Phó Giám đốc NHCSXH TP. Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên, cho hay, UBND thành phố vừa có công văn gửi đến các quận, huyện trên địa bàn, yêu cầu các địa phương tiếp tục cân đối nguồn vốn ngân sách để bố trí thêm vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, nếu quận/huyện nào có mức thu ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng sẽ phải trích ra tối thiểu 2 tỷ đồng để ủy thác cho NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng chính sách, quận/huyện nào có mức thu dưới 1.000 tỷ đồng/năm thì mức ủy thác tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Trần Văn Tiên cho biết thêm, đầu năm 2015, UBND TP. Hồ Chí Minh đã cấp 10 tỷ đồng vốn ngân sách cho Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (Quỹ 156) để thực hiện cho vay đối với các hộ dân bị thu hồi đất nhằm thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Sắp tới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung thêm 70 tỷ đồng cho quỹ này nữa. Toàn bộ nguồn vốn của quỹ này vào năm 2016 sẽ được chuyển sang cho NHCSXH thành phố quản lý và thống nhất cho vay theo quy định.
Bên cạnh đó, hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở LĐTB-XH chuyển giao, ủy thác nguồn vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo tại các quận Tân Phú và huyện Bình Chánh sang NHCSXH thành phố quản lý, cho vay từ quý III/2015. Tổng nguồn vốn của các quỹ này ở 2 quận, huyện nói trên đạt khoảng 25 tỷ đồng. Cuối quý I/2016 việc chuyển giao Quỹ xóa đói giảm nghèo tại các quận Tân Phú và huyện Bình Chánh sẽ được tổng kết, đánh giá và hoàn thiện cơ chế để thực hiện nhân rộng tại 24 quận huyện.
Được biết, nếu việc chuyển giao nguồn vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo tiến hành thành công thì trong năm 2016, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm khoảng 285 tỷ đồng để cho vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thành phố.
Như vậy, nếu cộng chung cả lượng vốn chuyển sang từ Quỹ 156 và nguồn vốn tăng cường từ ngân sách của 24 quận huyện (tối thiểu 100 tỷ đồng/năm) thì từ năm 2016 trở đi, tổng vốn có sẵn của NHCSXH TP. Hồ Chí Minh có thể tăng thêm vài trăm tỷ đồng.
Với nguồn vốn dồi dào này, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh có thể dễ dàng chủ động trong hoạt động cho vay các chương trình, dự án tín dụng chính sách của mình mà không sợ thiếu hụt. Bởi thực tế, mức chuẩn nghèo tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh cao gấp 3 lần so với mức chung của cả nước, vì vậy một số lượng lớn các đối tượng nằm trong diện được thụ hưởng các hỗ trợ tài chính, tín dụng của quốc gia đều khó có khả năng tiếp cận.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn của đơn vị do Trung ương và địa phương cấp đạt khoảng trên 2.250 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang cho vay đối với khoảng 150 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác của TP. Hồ Chí Minh. Doanh số cho vay của NHCSXH thành phố trong vòng 12 năm qua đạt khoảng trên 6.500 tỷ đồng, giúp cho gần 100 nghìn hộ thoát nghèo theo mức chuẩn nghèo của từng giai đoạn.
Hà Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- » Nguồn vốn tạo động lực vượt khó
- » Pù Bin với tín dụng chính sách
- » Những triệu phú trên miền sơn cước
- » Cần chú trọng tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách địa phương
- » “Ông Đức chính sách”
- » Hà Tĩnh dành 30 tỷ đồng cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Đồng bào DTTS Thái Nguyên thoát nghèo từ vốn ưu đãi
- » Đổi thay ở vùng nông thôn Yên Khánh