Quỹ Nippon giúp tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật
Năm 2012, NHCSXH và Quỹ Nippon lựa chọn NHCSXH TP. Đà Nẵng là đơn vị triển khai thí điểm cho vay dự án mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật, dự án đã mở ra một cơ hội lớn cho những người khuyết tật tại thành phố có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, qua đó có công ăn việc làm, trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Đồng thời dự án cũng mang lại cho người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng, từ đó giúp họ có thể tự tin khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng.
Phó Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung, cho biết đến nay dư nợ cho vay theo Quỹ Nippon đạt 4,6 tỷ đồng với 41 khách hàng và 3 dự án còn dư nợ.
“Các dự án sau khi được giải ngân đều hoạt động tốt, sử dụng vốn vay có hiệu quả, góp phần giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động là người khuyết tật, giúp các hộ gia đình có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập và có điều kiện chăm sóc người khuyết tật được tốt hơn”, Phó Giám đốc Đoàn Ngọc Chung nói.
Chúng tôi đi thăm một vòng các doanh nghiệp đang vay vốn của Quỹ Nippon, đến nay những doanh nghiệp này không những kinh doanh có lãi, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người khuyết tật.
Đối tượng hưởng lợi của Quỹ Nippon là hộ gia đình có thành viên là người khuyết tật hoặc do người khuyết tật làm chủ; hộ kinh doanh có thành viên là người khuyết tật hoặc do người khuyết tật làm chủ; hộ kinh doanh có thu hút lao động là người khuyết tật vào làm việc; doanh nghiệp nhỏ và vừa có thu hút lao động là người khuyết tật vào làm việc hoặc do người khuyết tật làm chủ. Mức vốn cho vay đối với hộ gia đình tối đa là 50 triệu đồng, hộ kinh doanh đến 100 triệu đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa 1 tỷ đồng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo. |
Theo đánh giá của chị Đặng Thị Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thiện (Công ty may của người khuyết tật chuyên sản xuất các mặt hàng may, in, thêu thủ công) - thì chị “mang ơn” nguồn vốn từ quỹ này. Chị cho biết, năm 2014 chị vay của NHCSXH TP. Đà Nẵng 500 triệu đồng theo Quỹ Nippon, số tiền này chị dùng để mua 20 máy vắt sổ điện tử dùng cho người khiếm thính và 30 máy may dùng cơ. Đến nay doanh nghiệp của chị đã tạo công ăn việc làm cho 68 lao động khuyết tật (trước khi vay vốn dự án Nippon, doanh nghiệp của chị có 48 lao động), doanh thu một tháng đạt hơn 27 triệu đồng; thu nhập của lao động bình quân 1,5 - 3,5 triệu đồng/ người/tháng.
Cũng giống như doanh nghiệp của chị Ánh “Tâm Thiện”, doanh nghiệp của anh Trần Mạnh Huy - Giám đốc Trung tâm Vận hành nghiệp vụ BPO chuyên biệt (VBPO -GROP ODC) đầu tiên ở Việt Nam - cũng là một trong số ít doanh nghiệp thành công nhờ vào nguồn vốn của Quỹ Nippon. Được thành lập năm 2010, năm 2014 anh vay từ dự án 500 triệu đồng để đầu tư máy móc, đến nay doanh nghiệp của anh được biết đến là 1 trong 87 doanh nghiệp hàng đầu của TP. Đà Nẵng, với 86 lao động (trước khi vay dự án, doanh nghiệp có 4 lao động), trong đó có 30% là lao động khuyết tật.
Hiện mức lương cao nhất tại doanh nghiệp của anh lên tới 14 - 15 triệu đồng/người/tháng; lương thấp nhất cũng ở mức 4,5 triệu đồng người/tháng. “Kế hoạch 5 năm tới, số nhân sự của VBPO sẽ tăng lên khoảng 2.000 người, ngoài sự hiện diện tại Huế, Đắk Lắk và Phú Yên như hiện nay, VBPO sẽ đặt “chân” đến TP. Hồ Chí Minh” anh Huy chia sẻ.
Bài và ảnh Khánh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Thêm động lực để thoát nghèo bền vững
- » Tăng nguồn vốn cho người nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- » Nguồn vốn tạo động lực vượt khó
- » Pù Bin với tín dụng chính sách
- » Những triệu phú trên miền sơn cước
- » Cần chú trọng tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách địa phương
- » “Ông Đức chính sách”
- » Hà Tĩnh dành 30 tỷ đồng cho vay hộ mới thoát nghèo