Duy trì nguồn lực hỗ trợ đối với hộ cận nghèo
Là một trong số những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao trong khu vực Tây Nguyên, theo số liệu thống kê cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai là 17,23%, số hộ thoát nghèo đạt 2,7%, tương đương với 7.217 hộ; số hộ cận nghèo là 23.776 hộ, chiếm 7,67%. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7%; tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn chiếm 7% so với tỷ lệ hộ nghèo. Từ kết quả này cho thấy, nhu cầu vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững là rất lớn và vô cùng cần thiết, nhất là ở các địa bàn có đông người dân tộc thiểu số, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa.
Gia đình Kpă Danh ở buôn Mrah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa được vay vốn ưu đãi chương trình hộ cận nghèo đầu năm 2014. Đứng trong ngôi nhà cấp 4 mới xây, Kpă Kă chia sẻ: Mình được cán bộ ngân hàng xuống tận nhà hướng dẫn làm thủ tục cho vay, rồi trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng tiền vay sao cho có lãi. Mình cũng nghe theo cán bộ mua 1 một cặp bò sinh sản, còn bao nhiêu tiền đầu tư vào trồng mì trên diện tích 2ha đất. Vừa rồi, 2ha mì đã cho gia đình thu nhập hơn 45 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Đàn bò cũng đã cho gia đình thu nhập hơn 10 triệu đồng nữa.
Cũng như hàng nghìn hộ gia đình được tiếp cận với nguồn vốn hộ cận nghèo trong năm 2015, gia đình bà Rmah H’Tul ở làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ vô cùng phấn khởi khi nhận được số tiền 30 triệu đồng vốn chính sách. Có vốn, lại thêm sự tư vấn hỗ trợ tận tình của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại làng nên gia đình đang mạnh dạn đầu tư thêm phân bón, tưới tiêu chăm sóc cho rẫy cà phê và vườn tiêu tại nhà. Là thành viên mới của Tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Rmah H’Tul thật thà chia sẻ: “Nếu không có NHCSXH thì bà con nghèo không biết vay mượn ở đâu dù đất đai trù phú ngay trước mắt. An tâm hơn nữa là bà con được hướng dẫn tham gia Tổ để tiết kiệm trả lãi, trả vốn đúng kỳ hạn, dần dần cởi bỏ được tâm lý e ngại nợ nần lâu nay”.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, doanh số cho vay chương trình hộ cận nghèo đạt 156 tỷ đồng cho 5.544 lượt hộ vay, nâng tổng dư nợ chương trình hộ cận nghèo lên 433 tỷ đồng với 18.700 hộ dư nợ. Đặc biệt, vừa qua lãi suất của chương trình này cũng đã được Chính phủ điều chỉnh giảm từ 8,64%/năm xuống còn 7,92%/năm, mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ góp phần tạo điều kiện cho bà con có thêm thời gian, nguồn vốn ổn định chu kỳ sản xuất mùa vụ, nhất là đối với nền sản xuất nông nghiệp đặc thù ở Tây Nguyên thường gắn liền với các loại cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê, điều hoặc ngắn ngày như sắn, đậu…
Bài và ảnh Sơn Ca
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Quỹ Nippon giúp tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật
- » Thêm động lực để thoát nghèo bền vững
- » Tăng nguồn vốn cho người nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- » Nguồn vốn tạo động lực vượt khó
- » Pù Bin với tín dụng chính sách
- » Những triệu phú trên miền sơn cước
- » Cần chú trọng tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách địa phương
- » “Ông Đức chính sách”