Vốn vay nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế lớn
Vốn đến, nông dân phấn khởi
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thảo ở thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, khi bà đang vệ sinh chuồng lợn. Vừa làm bà vừa vui vẻ kể, gia đình vốn theo nghề nuôi lợn đã được 10 năm. Hiện, với 20 con lợn nái, bà hoàn toàn chủ động được lợn giống. “Nuôi lợn quan trọng nhất là khâu tiêm phòng. Thức ăn phải đúng định lượng và biết kết hợp”, bà Thảo chia sẻ.
Là nông dân vùng ngoại thành, nhưng bà Thảo lại rất nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Nhận thấy nhu cầu rau an toàn lên cao, tháng 1/2015 bà quyết định chuyển đổi gần 3.000m² ruộng lúa sang trồng rau an toàn. Dù lên kế hoạch khá chi tiết, nhưng khi bắt tay vào làm bà gặp không ít khó khăn, trong đó vốn để thực hiện chuyển đổi làm bà “đau đầu” nhất. May mắn trong tháng 6, qua “kênh” Hội Nông dân xã, bà được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng. “Vốn vay không nhiều nhưng đến đúng lúc nên hết sức ý nghĩa. Đến nay việc đầu tư cho khu ruộng trồng rau của gia đình tôi cơ bản đã hoàn thành. Tuy mới trồng cấy được 3 tháng, nhưng tôi đã bán được hơn 30 triệu đồng tiền rau các loại, trừ chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng…”, bà Thảo nói.
Cùng thôn với bà Thảo, gia đình anh Nguyễn Văn Phong cũng được NHCSXH huyện Đông Anh cho vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. “Gia đình tôi mới mở xưởng mộc nên cần vốn để mua gỗ nguyên liệu. Số vốn ngân hàng cho vay, gia đình tôi đã mua thêm gỗ, tuyển thêm thợ… Năm nay tôi có nhiều đơn hàng, việc sản xuất, kinh doanh đang có thuận lợi”, anh Phong thổ lộ.
Đúng đối tượng thụ hưởng
“Hội Nông dân các cấp của TP. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện ủy thác vốn vay cho hội viên nông dân. 6 tháng đầu năm 2015, nguồn vốn ủy thác tăng 38,5 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên hơn 1.140 tỷ đồng với gần 71.000 hộ vay”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Lê Ngọc Thắng cho biết. |
Bà Nguyễn Thị Xuân cho hay, Hội Nông dân xã đang phối hợp cùng NHCSXH quản lý 6 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 6,5 tỷ đồng cho 425 hộ vay, thông qua 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 8 thôn trên địa bàn xã. Trong đó, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm có số dư nợ là 1,2 tỷ đồng với 21 hộ vay.
Cũng theo bà Xuân, để nguồn vốn được quản lý tốt và phát huy hiệu quả, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt việc bình xét đúng đối tượng, tiến hành thẩm định để ngân hàng giải ngân trực tiếp đến các hộ vay. Đồng thời Hội Nông dân xã phối hợp với khuyến nông tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và định hướng sản xuất giúp hội viên chuyển đổi, phát triển những mô hình kinh tế phù hợp. “Dư nợ vốn lớn, nhưng nhiều năm liền tổ chức Hội Nông dân không có nợ quá hạn”, bà Xuân khẳng định.
Bài và ảnh Thu Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tăng hiệu quả chính sách từ cải cách hành chính
- » Gia đình nghèo đỡ gánh nặng học phí cho con
- » Đồng hành cùng nhà nông
- » Duy trì nguồn lực hỗ trợ đối với hộ cận nghèo
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Quỹ Nippon giúp tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật
- » Thêm động lực để thoát nghèo bền vững
- » Tăng nguồn vốn cho người nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- » Nguồn vốn tạo động lực vượt khó