Tây Ninh tích cực đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống

29/10/2015
(VBSP News) Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng, hoạt động tín dụng chính sách ở tỉnh Tây Ninh đã có bước chuyển biến mới, tạo đà cho NHCSXH hoạt động hiệu quả hơn trong đầu tư hỗ trợ hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Vốn vay chính sách luôn đồng hành cùng người nghèo tại Tây Ninh

Vốn vay chính sách luôn đồng hành cùng người nghèo tại Tây Ninh

Ngay sau khi Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, ban ngành liên quan tổ chức quán triệt và đưa Chỉ thị vào cuộc sống, NHCSXH tỉnh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính để tăng trưởng tín dụng và chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi về với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thông qua những việc làm cụ thể như thông tin tuyên truyền rộng rãi, niêm yết công khai Chỉ thị 40 và các văn bản của cấp uỷ, chính quyền các cấp về tín dụng chính sách xã hội tại các Điểm giao dịch, củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời vừa tiến hành họp giao ban tại Điểm giao dịch với sự có mặt diện cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể cơ sở…

Đến ngày 30/9/2015, tổng dư nợ NHCSXH tỉnh Tây Ninh đạt 1.540 tỷ đồng, tăng 151 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với số khách hàng còn dư nợ trên 100 nghìn hộ, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác cho NHCSXH đạt 52 tỷ đồng, phần lớn số hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao, thoát nghèo nhanh, thu nhập tăng. Một số hộ ở vùng miền núi dân tộc các huyện biên giới Bến Cầu, Tràng Bảng, Tân Biên, Tân Châu… đã hoàn trả nợ vay ngân hàng và còn tiền vốn tích luỹ, mua sắm phương tiện, mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.

Điển hình là huyện Tân Châu nhờ có nguồn vốn ưu đãi đến kịp thời đã hỗ trợ công cuộc khai phá hàng nghìn héc-ta đất trống, đồi hoang thành những vườn na xanh tốt, trĩu quả quanh núi Bà Đen, cùng với đó là những cánh rừng cao su trải dài theo vành đai biên giới của tỉnh.

Tại ấp Tầm Phô, xã Tân Đông thời gian qua đã có 137 hộ nghèo người Khmer vay vốn của NHCSXH huyện Tân Châu đầu tư trồng cây cao su, để hôm nay vùng quê này có được hàng nghìn héc-ta cao su xanh tốt thành rừng, với lượng mủ cao đạt giá trị thu nhập ngót 30 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, bà con nơi đây còn sử dụng vốn chính sách xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh chấm dứt cảnh dùng nước sông, suối bẩn đục mất vệ sinh và làm được những ngôi nhà ở vững chãi, thay cho cảnh nhà chật chội, dột nát trên miền đất heo hút chốn biên thuỳ.

Gia đình anh Sầm Thuấn, vốn là hộ dân tộc Khmer nghèo khó nhất ấp Tần Phô nhờ được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để trồng cao su, nuôi bò laisind. Đến nay, gia đình đã thoát hẳn nghèo, bình quân mỗi năm gia đình anh Thuấn thu lãi 40 - 50 triệu đồng từ nuôi bò và bán mủ cao su. Cùng cảnh ngộ như nhà anh Sầm Thuấn, hộ ông Chua Phên vì nghèo nên không có điều kiện mua cây giống, phân bón, lại thêm không biết cách làm kinh tế vườn rừng. Từ khi được Hội Nông dân hỗ trợ vay vốn chính sách và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, ông đã sử dụng vốn vay để trồng mỳ, mía và 1ha cao su, kết hợp với nuôi heo nái nên có thu nhập, việc làm ổn định. Năm 2013, gia đình ông được xét thoát nghèo và mới đây được địa phương tạo điều kiện giúp đỡ vay tiếp nguồn vốn hộ mới thoát nghèo.

Gia đình anh Châu Văn Sáu vay vốn về trồng rau sạch phục vụ bà con nhân dân trong vùng

Gia đình anh Châu Văn Sáu vay vốn về trồng rau sạch phục vụ bà con nhân dân trong vùng

Đến huyện Hòa Thành có gia đình như anh Châu Văn Sáu ở ấp Sán Cu, xã Long Thành Bắc, chỉ với 12 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm đã cải tạo tới 3.000m2 đất trồng rau sạch, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng, thu hút 5 - 7 lao động, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương…

Giám đốc NHCSXH tỉnh Tây Ninh, Trương Hồng Đức cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 40 trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể triển khai thường xuyên đến các chi bộ, đảng bộ các xã đề ra Nghị quyết chuyên đề về tín dụng chính sách, coi công tác chỉ đạo tín dụng chính sách là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành trên địa bàn; đồng thời tập trung tăng trưởng dư nợ, tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Lê Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác