Động lực giúp hộ nghèo vươn lên khá giả
Đổi đời nhờ vốn ưu đãi
Hộ gia đình chị Doãn Thị Hồng ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành cho biết: “Năm 2012 trở về trước, nhà tôi vẫn còn là mái tranh xiêu vẹo. Mỗi mùa mưa bão nhà như cái răng sắp rụng. Hội Nông dân, chính quyền động viên và hướng dẫn tôi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, rồi bày cho cách làm ăn. Từ đó, cứ làm từ nhỏ đến lớn, gia đình phát triển kinh tế vững, xây được nhà kiên cố”.
Được biết, gia đình chị Hồng có 4 đứa con nhỏ, chỉ lo cái ăn cái mặc đã bở hơi tai. Cái ngày chị Hồng cầm 30 triệu đồng tiền vay về nhà mà trong lòng thấy lo. Nhưng rồi được cán bộ Hội Nông dân và các đoàn thể tư vấn, vợ chồng chị Hồng sử dụng vốn vay mua 3 con bò, được hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng. “Chỉ mới sau 4 năm, đàn bò của tôi đã phát triển lên được 7 con. Vừa qua, tôi bán bớt 5 con, làm được cái nhà mái bằng này. Con trai đi học đại học được vay vốn học tập dành cho HSSV. Chưa hết, gia đình còn được vay vốn ưu đãi để làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Hộ nghèo được ưu ái vay nhiều chương trình, miễn là mình có động lực làm ăn, vươn lên”, chị Hồng thổ lộ.
Ông Đinh Sỹ Hùng, cùng thôn Thượng Lâm, là một trong những hộ nghèo sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi để từ đó vươn lên khá giả. Cách đây 10 năm, gia đình ông thuộc diện nghèo nhất xã Cam Thành. Năm 2005, ông vay 20 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư cho khai khẩn đất đai, lập trang trại ở đồi Đông Tri. Đến nay, ông Hùng đã có 3,2ha cao su, 5ha rừng tràm, vườn cây ăn quả, đàn dê 50 con, hồ cá… với lợi nhuận bình quân 150 triệu đồng/năm.
Đồng hành hộ nghèo
Giám đốc NHCSXH huyện Cam Lộ, Trần Đức Xuân Hương cho biết, hộ vay vốn của ngân hàng chủ yếu là người nghèo, tùy theo điều kiện mỗi hộ mà cán bộ tín dụng cùng chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả. Toàn huyện có 186 Tổ tiết kiệm và vay vốn với cộng tác viên là những người nhiệt huyết trong công tác giảm nghèo đã giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả. Tăng trưởng dư nợ vốn tín dụng chính sách từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện tập trung vào 4 chương trình chủ yếu là hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt…
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, Trần Anh Tuấn cho hay: “Kinh tế của huyện ngày càng phát triển tích cực, số hộ nghèo giảm nhanh một phần không nhỏ là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Chính quyền và nhân dân trong huyện mong muốn phía ngân hàng sẽ tiếp tục tạo nguồn vốn để có thêm các đối tượng được hưởng thụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn huyện Cam Lộ đến hết tháng 9/2015 đạt 180 tỷ đồng với 6.815 hộ đang dư nợ, tăng 12,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, đạt 99,34% kế hoạch; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ.
Bài và ảnh Ngọc Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Bước đột phá ở Nam Giang
- » Địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn
- » “Trên 25 triệu lượt hộ nghèo và các ĐTCS được tiếp cận vốn vay ưu đãi”
- » Đắk Lắk tăng cường thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội
- » Có thu nhập cao và bảo vệ môi trường xanh, sạch
- » Điểm tựa thoát nghèo
- » Có nước sạch là nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tây Ninh tích cực đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống