Bước đột phá ở Nam Giang
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Phạm Thị Như cho biết, Nam Giang là một trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam, có diện tích 184.899ha, dân số hơn 23.000 người (hơn 80% là đồng bào DTTS), gồm 11 xã, thị trấn, trong đó có tới 6 xã biên giới đặc biệt khó khăn…
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường - trường - trạm… Khi Quảng Nam phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Nam Giang được tiếp thêm sức mạnh, chính quyền các cấp từ huyện đến xã, thôn đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo và bắt tay ngay vào triển khai thực hiện chương trình.
Ông Phan Minh Tiến - Trưởng phòng NNo&PTNT huyện Nam Giang cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để giúp đồng bào thoát nghèo. Chúng tôi xác định, vùng núi, vùng cao không thể phát triển cây lúa nước và cây hoa màu mạnh được, vì không chủ động được nước. Việc phát triển cây lúa để cơ bản đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ chứ thu nhập bà con không tăng, do đó địa phương đã từng bước nghiên cứu để đưa những cây, con phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất. Trong đó, xác định 3 cây là cao su, keo và chuối; 3 con là lợn, dê và bò là chủ lực để đưa vào sản xuất.
Hướng đi đã đúng, để tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, UBND huyện quyết định hỗ trợ 12 xã, thị trấn mỗi đơn vị 200 triệu đồng/năm. Đây được xem là bước ngoặt đối với nông nghiệp Nam Giang. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi 5 năm qua (2011 - 2015) của huyện hơn 32 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương hơn 14 tỷ đồng). Đồng hành cùng huyện trong công cuộc giảm nghèo luôn có NHCSXH, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, NHCSXH huyện đang triển khai 7 chương trình cho vay, với tổng dư nợ trên 78 tỷ đồng. Ở xã Ta Bhing với số tiền được vay từ NHCSXH, bà con nhân dân ở đây đã đầu tư mua 19 con bò sinh sản, 5 con lợn giống và hơn 130 nghìn cây keo giống để trồng. Ông Ploong Hon - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi đã tạo thêm sinh kế cho bà con, giúp xóa nghèo bền vững. Giờ bà con không phá rừng làm rẫy nữa mà đi trồng rừng. Trồng cây keo cho hiệu quả kinh tế cao, bà con vui lắm”. Tại xã Đăk Tôi, từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, ông Powloong A Bloo đã mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện nay, đàn bò của ông có 20 con, đàn lợn rừng 30 con, đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
“Hiện nay, tổng đàn bò có 5.670 con, dê gần 1.000 con và lợn có hơn 7.640 con. Trong đó, để có những con giống tốt, đặc biệt là giống lợn rừng thuần (F1) khỏe mạnh, Phòng NNo&PTNT đã giao nhiệm vụ cho Trạm Khuyến nông huyện xây dựng khu nhà trại để chăn nuôi, nhân giống cấp cho bà con nhân dân. Hiện nay đàn lợn đang phát triển khá tốt và cung cấp hàng trăm con lợn giống cho bà con. Việc phát triển chăn nuôi theo hướng này rất phù hợp với điều kiện của Nam Giang, trong đó con lợn rừng thuần này rất có giá trị và được xem là đặc sản của miền núi. Do đó, để bà con yên tâm về đầu ra, huyện đã thành lập Tổ Hợp tác để làm đầu mối thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho bà con…”, ông Phan Minh Tiến chia sẻ.
Có được những kết quả ban đầu như vậy là một sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của chính quyền cũng như người dân địa phương. Vì vậy, trong những năm tới Nam Giang sẽ tiếp tục ưu tiên phát huy nội lực, huy động các nguồn lực, trong đó có vai trò của vốn vay ưu đãi để phục vụ tốt hơn nhu cầu SXKD của người dân.
Bài và ảnh Khánh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn
- » “Trên 25 triệu lượt hộ nghèo và các ĐTCS được tiếp cận vốn vay ưu đãi”
- » Đắk Lắk tăng cường thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội
- » Có thu nhập cao và bảo vệ môi trường xanh, sạch
- » Điểm tựa thoát nghèo
- » Có nước sạch là nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tây Ninh tích cực đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống
- » Tín dụng chính sách trên miền núi cao biên giới Điện Biên
- » Khi Chủ tịch xã làm tín dụng chính sách
- » Hướng thoát nghèo của người dân Sơn La