Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

04/11/2015
(VBSP News) Thông qua việc ủy thác vốn vay với các hội, đoàn thể, những năm qua, NHCSXH tỉnh Ðắk Lắk đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, đồng bào DTTS, giúp họ đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ đó, nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Y Yai M Lô, dân tộc Ê Đê ở xã Ea Rông, thị xã Buôn Hồ vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi về trồng cà phê

Anh Y Yai M Lô, dân tộc Ê Đê ở xã Ea Rông, thị xã Buôn Hồ vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi về trồng cà phê

Thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi

Ðến thôn 1, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, chúng tôi được nghe kể nhiều về gia đình anh Vũ Ngọc Liên, nhờ được tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã thoát nghèo. Anh Liên kể, năm 1998 gia đình anh vào xã Cư M’gar lập nghiệp trong điều kiện rất khó khăn, vợ chồng anh chủ yếu đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Năm 2008, được Hội Nông dân xã hướng dẫn, gia đình anh vay 6 triệu đồng từ NHCSXH huyện Cư M’gar về đầu tư làm nghề nấu đậu khuôn và mua lợn, bò giống về nuôi. Ba năm sau, anh trả xong nợ gốc và lãi cho ngân hàng rồi tiếp tục vay lại với số vốn nhiều hơn để mua đất trồng cà phê và hoa màu. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2013 gia đình anh đã thoát nghèo và nuôi ba người con ăn học đến nơi đến chốn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M’gar Trần Văn Cường phấn khởi cho biết: “Nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã đi lên từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ðến nay, toàn huyện có hơn 32.000 hội viên nông dân thì đã có 2.063 hội viên được vay vốn với dư nợ hơn 84 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà cửa,… Nhờ đó, chỉ từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 1.500 hộ nông dân thoát nghèo và có hơn 10.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi các cấp với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ở huyện vùng sâu Buôn Đôn, với dân số khoảng 67.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 34% thì phần lớn đều được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi… Giám đốc NHCSXH huyện Buôn Đôn Thượng Văn Điệp cho biết: “Hiện tại, toàn huyện có 8.677 hộ nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi của Nhà nước với dư nợ hơn 181 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Cũng từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, từ năm 2010 đến nay đã giúp cho 2.674 hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 41,2% (2010) đến nay giảm xuống còn 23,22%”.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn vay

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Lắk, Nguyễn Hải Ninh khẳng định: Thông qua việc triển khai tín dụng chính sách đã làm thay đổi tư duy nhận thức làm kinh tế của đồng bào, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa nên đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều cải thiện rõ nét, bộ mặt các buôn, làng đã và đang có nhiều thay đổi lớn. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách còn góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 14,67% đến năm 2014 giảm xuống còn 10,02% và năm 2015 ước giảm 3%…

Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và đồng bào DTTS chiếm 32% dân số như Ðắk Lắk thì làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào, bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu đặt ra đối với NHCSXH và các cấp, các ngành tỉnh Ðắk Lắk hiện nay.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đỗ Thị Mến cho biết: Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, cùng với việc đề nghị NHCSXH  bố trí thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng như đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, UBND tỉnh Ðắk Lắk chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các ngành, các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho tổ viên và triển khai công tác kiện toàn, củng cố hoạt động của tổ. Ðẩy mạnh hoạt động khuyến nông - lâm - ngư xuống tận các buôn, làng, trang bị kiến thức, hướng dẫn đồng bào cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào DTTS xóa nhà tạm bợ, dột nát để họ ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho hộ nghèo, lao động ở nông thôn nhằm tạo việc làm ổn định. Ðồng thời, giúp đồng bào nâng cao đời sống về mọi mặt và thoát nghèo một cách bền vững.

Bài và ảnh Trần Hải Lý

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác