Giúp hộ chính sách vay vốn làm ăn

06/11/2015
(VBSP News) Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, gồm 15 xã và 02 thị trấn, trong đó có 4 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ là Đông Giang, Thuận Minh, Thuận Hòa và La Dạ... Điều kiện kinh tế của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững NHCSXH huyện đã tạo mọi điều kiện cho các hộ vay vốn để trồng cây Thanh Long - giống cây đặc sản tại địa phương cùng những cây ăn trái khác...
Vườn thanh long của gia đình bà Hồ Thị Hiếu Hạnh

Vườn thanh long của gia đình bà Hồ Thị Hiếu Hạnh

Từ trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc đi chừng 20km, chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Hiếu Hạnh, sinh năm 1958 ở thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm. Bà Hạnh và chồng là cán bộ cách mạng kháng chiến thời chống Mỹ. Sau giải phóng 2 người còn tham gia công tác ở một số đơn vị nhưng nghỉ hưu sớm theo chế độ bệnh binh. Nhà có đến 8 người con nên đồng lương hưu và trợ cấp không đủ để lo cho các con. Bà Hạnh kể: “Khi chồng qua đời năm 2006, mọi thứ dồn lên vai vai tôi nên khó khăn chồng lên khó khăn. Năm 2009, được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư trồng thanh long và cải tạo vườn đồi với mong muồn thoát khỏi cảnh nghèo khó. Với số tiền vay cùng với số tiền tích lũy, vay mượn của anh em, họ hàng tôi trồng được 250 trụ thanh long. Năm 2012, thanh long cho thu quả, có được khoản lợi nhuận tôi tái đầu tư trở lại, mở rộng diện tích. Hiện nay gia đình tôi đã có 450 trụ thanh long, mỗi năm cho thu lãi gần 100 triệu đồng…”.

Ở huyện Hàm Thuận Bắc không chỉ có bà Hạnh mà còn nhiều hộ chính sách khác như ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Hàm Trí, Trần Văn Ngọc ở xã Hàm Chính… đã được vay vốn ưu đãi để trồng thanh long, chăn nuôi bò phát triển kinh tế gia đình ổn định, là gương sáng cho mọi người trong xã học tập.

Gia đình bà Huỳnh Thị Chín ở xóm 1, thôn Bình Lâm cũng vừa thoát nghèo nhờ vốn vay vốn ưu đãi. Bà Chín cho biết: “Trước đây do không có vốn làm ăn gia đình phải vay ở ngoài với lãi suất cao nên lợi nhuận bao nhiêu lãi vay ăn hết. Thêm vào đó, vì thiếu vốn nên không mở rộng được diện tích cây trồng và cũng không thể chăm sóc thanh long trái vụ vì muốn cho quả trái vụ phải đầu tư lưới điện thắp sáng chi phí ban đầu rất cao”. Năm 2013 gia đình bà Chín đã được vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để cải tạo chăm sóc 300 trụ thanh long của gia đình, với sự hướng dẫn kỹ thuật của Hội Nông dân qua các lớp tập huấn, hiện nay vườn thanh long của gia đình bà đã phát triển tốt, đang bước vào thu hoạch. Theo giá thị trường hiện tại, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Chín thu nhập từ thanh long hàng trăm triệu đồng.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Hàm Thuận Bắc Phan Duy Tiến cho biết: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 220 tỷ đồng với trên 12 nghìn hộ gia đình còn dư nợ. Để phát huy hiệu quả tốt hơn nữa vốn chính sách, ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện làm tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với bà con để mọi người cùng biết, cùng làm, cùng bàn và cùng kiểm tra; đẩy mạnh sự phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, lồng ghép giữa các chương trình tạo điều kiện cho hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả…

Bài và ảnh Thi Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác