Giúp nông dân nghèo tậu “đầu cơ nghiệp”
Hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn
Hiện nay NHCSXH huyện Cẩm Thủy đang thực hiện 13 chương trình tín dụng của Chính phủ, có dư nợ hơn 309 tỷ đồng, cho vay tới 12.166 hộ. |
Dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình ở xã Cẩm Ngọc, anh Đỗ Anh Tuấn - cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Cẩm Thủy cho biết, hiện trên địa bàn xã Cẩm Ngọc có 19 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 750 tổ viên. Dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã đạt 16,5 tỷ đồng. Là địa bàn miền núi có điều kiện về chăn thả đại gia súc, nên hầu hết các hộ dùng vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản.
Theo ông Cao Tuấn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Ngọc, nhờ nguồn vốn chính sách nhiều hộ dân có tiền đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Những năm trước, bà con vay vốn rất ít, vì vay được rồi cũng không biết nuôi con gì, cây gì để mang lại thu nhập. Cán bộ tín dụng, khuyến nông, hội, đoàn thể cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ thủ tục vay vốn. “Hiện nay, tổng đàn trâu của xã Cẩm Ngọc có trên 1.000 con. Số trâu ấy đa phần phát triển được là nhờ đồng vốn ưu đãi đấy”, ông Lương cho biết.
Theo anh Đỗ Anh Tuấn, để giúp người nghèo tiếp cận được đồng vốn ưu đãi, các thôn, bản tổ chức họp bình xét đúng đối tượng. Sau đó, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổng hợp, trình lên UBND xã xét duyệt. Khi UBND xã xét duyệt xong sẽ gửi về ngân hàng. Tiếp đó NHCSXH tổ chức xuống tận địa phương để cho bà con vay tiền.
Vốn ưu đãi “đẻ” ra… trâu
Vừa ôm cỏ cho 2 con trâu ăn, ông Bùi Đức Dực, làng Song Nga, xã Cẩm Ngọc, phấn khởi nói: “Được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng trong thời gian 3 năm, gia đình tôi đầu tư mua 2 con nghé, nuôi chúng lớn lên rồi bán đi lấy tiền trả nợ, phần còn lại để dành tiếp tục nuôi lứa sau. Đến nay, gia đình tôi đã nuôi được hai lứa trâu, số tiền vay ngân hàng cũng đã trả hết rồi. Còn 2 con trâu này, nhiều người đến hỏi mua với giá 30 triệu đồng/con, nhưng tôi không bán, mà để nuôi cho chúng sinh sản. Không những được vay vốn nuôi trâu, vợ chồng tôi còn được vay vốn để nuôi con học Cao đẳng Y tế, cháu đã ra trường và có việc làm ổn định. Gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Bùi Huy Hạnh, Cẩm Thủy là một huyện miền núi, đời sống của đa số nhân dân còn nhiều khó khăn. Hầu hết, các hộ dân ở đây đều có diện tích đất vườn đồi rừng khá lớn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, muốn cho nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả cao hơn nữa, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn cho bà con cách thức chăn nuôi, trồng trọt. “Kiến thức, kỹ năng, tay nghề sản xuất của nông dân mà kết hợp với vốn vay ưu đãi của ngân hàng thì sẽ tạo hiệu quả rõ nét, giảm nghèo sẽ bền vững hơn”, ông Hạnh chia sẻ.
Bài và ảnh Hồng Đức
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách trên vùng cao biên giới Cao Bằng
- » “Tiếp sức” để đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng cho bà con dân nghèo
- » “Bà đỡ” của người nghèo
- » Góp phần giảm nghèo nơi biên cương địa đầu Tổ quốc
- » Tín dụng chính sách góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở Cư Kuin
- » Phú Thọ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » HSSV Y khoa khó khăn vẫn có thể được vay vốn ưu đãi sau khi tốt nghiệp
- » Hội CCB xã Long Điền A quản lý đồng vốn hiệu quả
- » Giúp hộ chính sách vay vốn làm ăn