Phú Thọ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Huyện Thanh Ba là một trong những địa phương có doanh số cho vay cũng như dư nợ chương trình NS&VSMTNT cao của tỉnh Phú Thọ. Hiện, toàn huyện có hơn 11.000 lượt hộ dân đang vay vốn NS&VSMTNT với dư nợ 73,7 tỷ đồng. Với mức cho vay theo quy định là 6 triệu đồng/công trình, tối đa mỗi hộ được vay 12 triệu đồng/2 công trình, toàn huyện đã có gần 13.000 công trình nước sạch và hơn 11.000 công trình vệ sinh cải tạo, xây mới và đưa vào sử dụng. Một số xã có dư nợ cao như: Đồng Xuân, Võ Lao và Đông Thành. Những hộ gia đình chăn nuôi đều xây dựng được hệ thống biogas vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Đồng Xuân, vừa được NHCSXH huyện cho vay cho vay 12 triệu đồng nguồn vốn chương trình NS&VSMTNT. Bà Hồng cho biết: “Những năm về trước, nước giếng khơi tuy trong nhưng nhà tôi không dám ăn vì sợ bị ô nhiễm bởi các nguồn nước từ ao hồ, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi… Để có nước ăn uống, đun nấu, gia đình tôi phải hứng nước mưa, dùng tiết kiệm mới đủ sinh hoạt. Đến nay, nhờ chính sách của Nhà nước, tôi có thêm vốn đầu tư cải tạo hệ thống nước sinh hoạt phục vụ cuộc sống hàng ngày. Không chỉ vậy, gia đình còn làm mô hình kinh tế VAC khép kín, xây dựng hệ thống biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt”.
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện chương trình tín dụng NS&VSMTNT, đến nay NHCSXH tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương, cùng các hội, đoàn thể tích cực triển khai đến các hộ dân có nhu cầu vay vốn sử dụng nước sạch và xây dựng khu vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Công tác phối kết hợp giữa ngân hàng và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội khá nhịp nhàng từ khâu lập kế hoạch tín dụng đến khâu triển khai nghiệp vụ cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn.
Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Chất lượng cho vay và công tác thu nợ, thu lãi được ngân hàng thực hiện bảo đảm. Hiệu quả chương trình cho vay vốn NS&VSMTNT của NHCSXH đã được thực tiễn chứng minh. Song ngày nay với sự gia tăng nhanh về dân số, tốc độ đô thị hóa khiến ô nhiễm nguồn nước ngày càng cao. Bên cạnh đó, nhiều công trình nước sạch và nhà vệ sinh riêng lẻ của các hộ dân xây dựng từ nguồn vốn vay NHCSXH từ năm 2006 đang xuống cấp làm giảm chất lượng nước sạch và tác dụng giữ gìn vệ sinh.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đoan Hùng, Phạm Quang Hòa cho biết: “Khó khăn đầu tiên mà người vay gặp phải là mức cho vay 6 triệu đồng/công trình hiện nay không còn phù hợp với chi phí nhân công và nguyên vật liệu, với chi phí mua sắm bồn chứa nước, máy bơm nước đã tiêu tốn hơn 6 triệu đồng, chưa kể xây dựng nhà vệ sinh và các chi phí phát sinh khác. Hiện một số hộ khó khăn xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay nên công trình không bảo đảm chất lượng hoặc không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện công trình. Do vậy NHCSXH nên tăng mức cho vay để đảm bảo chất lượng các công trình vệ sinh”.
Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, ngoài nguồn vốn từ chương trình cho vay NS&VSMTNT, thiết nghĩ địa phương cần huy động nguồn vốn khác như chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn sự nghiệp, xã hội hóa để đầu tư các công trình nước sạch. Trong 19 bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí bảo đảm NS&VSMT hết sức quan trọng vì vậy chặng đường khơi nguồn nước sạch ở nông thôn cần sự chung sức của cả cộng đồng xã hội, trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bài và ảnh Huy Công
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Góp phần giảm nghèo nơi biên cương địa đầu Tổ quốc
- » HSSV Y khoa khó khăn vẫn có thể được vay vốn ưu đãi sau khi tốt nghiệp
- » Hội CCB xã Long Điền A quản lý đồng vốn hiệu quả
- » Giúp hộ chính sách vay vốn làm ăn
- » Động lực giúp hộ nghèo vươn lên khá giả
- » Điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Bước đột phá ở Nam Giang
- » Địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn
- » “Trên 25 triệu lượt hộ nghèo và các ĐTCS được tiếp cận vốn vay ưu đãi”