“Tiếp sức” để đồng bào DTTS thoát nghèo

10/11/2015
(VBSP News) Mặc dù có những dải đất đỏ bazan màu mỡ giữa vùng Tây Nguyên rộng lớn, nhưng các huyện phía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai lại luôn chịu ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt, khô nóng nên năm nào cũng có đến hàng nghìn hecta cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới trầm trọng, giảm năng suất, sản lượng. Đã vậy, nơi đây có trên 70% dân số là đồng bào DTTS, trình độ hiểu biết hạn chế, chưa biết cách làm ăn, do đó kinh tế chậm phát triển, cuộc sống khó khăn.
Gia đình anh Rơ Chăm Nam thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Gia đình anh Rơ Chăm Nam thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Để các huyện phía Đông Trường Sơn này có điều kiện thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Tính đến nay, trong tổng dư nợ gần 3.000 tỷ đồng sau 13 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã giúp cho khoảng 67 nghìn hộ gia đình thoát khỏi đói nghèo, thì riêng huyện phía Đông đã có trên 20 nghìn hộ.

Với phương thức cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể, hiện, hầu hết các huyện phía Đông đã xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn, làng, bản, tạo điều kiện giúp đồng bào nghèo Gia Rai, Ba Na ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách, hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi gia súc phù hợp với đặc thù ở mỗi địa phương, nổi bật là vùng chăn nuôi bò ở KrôngPa, mía ở IaPa, Chư Pưh An Khê, K’Bang, hay lúa nước ở Ayun Pa. Nhiều mô hình thoát nghèo, làm kinh tế giỏi từ vốn vay ưu đãi đã xuất hiện.

Tiêu biểu có gia đình anh Rơ Chăm Nam vốn là hộ nghèo ở buôn Hơi Khăm, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa khởi nghiệp từ 2 con bò sinh sản được mua từ vốn vay ưu đãi đến nay, gia đình anh đã tăng đàn bò lên 15 con và đang dự định nhân rộng theo hướng lai hóa để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

 “Năm 2007, được vay 7 triệu đồng từ NHCSXH, tôi mua liền 1 cặp bò, nhờ chăm sóc chu đáo, bò mẹ sinh sản, tôi bán bò trả tiền lãi cho ngân hàng đúng kỳ. Cũng nhờ Hội Nông dân, Trạm khuyến nông và NHCSXH giúp đỡ về kỹ thuật và tiếp tục cho vay vốn chính sách, tôi đã đầu tư xây dựng mô hình VAC. Đến nay mỗi năm thu nhập tới 200 trăm triệu đồng, trừ chi phí gia đình cũng tích lũy được 100 triệu đồng, vừa lo cho con cái về thành phố học hành, vừa giúp đỡ một số hộ nghèo xung quanh bằng cách cho mượn tiền không tính lãi, hay bán chịu cây con giống để bà con làm ăn đạt kết quả”, anh Rơ Chăm Nam cho biết.

Hộ nghèo ở Gia Lai nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Hộ nghèo ở Gia Lai nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Đời sống ngày một no đủ, đồng bào DTTS nơi đây còn biết tích lũy gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, mặc dù số tiền gửi không nhiều, mỗi tháng mỗi hộ chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. “Nhà mình đang gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mùa thu hoạch tới sẽ gửi thêm, tích cóp thành 2 - 3 triệu đồng, để sau này bớt đi khó khăn khi trả nợ, hoặc nếu có ốm đau, bệnh tật thì sẵn nguồn vốn đó mình rút ra sử dụng, không phải vay lãi suất cao bên ngoài”, ông Đinh Uych ở xã Pờ Tời, huyện Ia Pa tâm sự.

Nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho người nghèo và đồng bào DTTS được xem như những viên gạch móng vững chắc để từng ngày những buôn làng ở phía Đông Trường Sơn tỉnh Gia Lai có thêm nhiều hộ dân thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn trên 15% số hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có nhiều gia đình đồng bào DTTS chưa thực sự mạnh dạn tiếp cận nguồn vay ưu đãi. Vì vậy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần phải phối hợp tốt hơn, đề ra nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để nguồn vốn vay chính sách được phủ khắp buôn làng, giúp bà con tiếp tục khai thác cơ hội và lợi thế sẵn có nhằm phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Hà Việt Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác