“Bà đỡ” của người nghèo
Tiếp sức HSSV nghèo
Nhà chị Trần Thị Quỳnh ở xóm Trung Xá, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tuy đã khá hơn dăm năm trước nhưng hầu như không có tài sản gì có giá trị lớn. Chị Quỳnh tâm sự: “Năm 2006, con đầu Nguyễn Thị Hằng thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, cả nhà lo lắng, không biết lấy đâu tiền nuôi cháu theo học đại học. May nhờ tiền vay ưu đãi từ NHCSXH mà cháu mới có điều kiện theo học. Sau Hằng, lần lượt 2 em Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Thu cũng được NHCSXH huyện cho vay để theo học đại học với tổng số tiền là 133 triệu đồng”. Hiện 2 cháu sau đã ra trường và có công việc ổn định, hàng tháng gửi tiền về vừa giúp gia đình vừa trả nợ tiền vay học trước đây.
Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thái ở thôn Vân Cử, khó khăn hơn khi phải nuôi chồng nằm liệt giường cùng 5 con học đại học và cao đẳng. Nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ, gia đình chị đã được vay 118 triệu đồng từ NHCSXH để các con được theo học đầy đủ. Hiện 3 cháu đã tốt nghiệp và tìm được việc làm, chị Thái động viên các con tiết kiệm để có điều kiện trả nợ món vay ngân hàng đúng kỳ hạn.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Lộc, Phan Thị Nghĩa cho biết: Xuân Lộc vốn là xã nghèo, có hơn 48% số dân là bà con giáo dân và cách đây 5 năm tỷ lệ nghèo còn hơn 37%, nhưng hàng năm có hơn 100 cháu thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì nhiều cháu thuộc diện hộ nghèo hay một số gia đình giáo dân đông con không dám mơ vào đại học dù học giỏi đến mấy. Xuân Lộc dù chưa phải là địa phương có tỷ lệ HSSV vay ngân hàng nhiều nhất huyện nhưng hiện có đến 317 HSSV đang vay hơn 9 tỷ đồng để học đại học và cao đẳng. Các cháu sau khi tốt nghiệp ra trường cùng với gia đình có trách nhiệm trả nợ vốn vay đúng cam kết.
Giám đốc NHCSXH huyện Can Lộc, Trần Anh Đức cũng cho biết: Từ năm 2007, NHCSXH huyện Can Lộc đã triển khai cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn để theo học đại học, cao đẳng và trường đào tạo nghề. Thông qua ủy thác, các tổ chức hội, đoàn thể, hơn 7 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong huyện đã được vay vốn với tổng số vay gần 137 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng số dư nợ của đơn vị. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, đã có 980 hộ gia đình vay hơn 7,6 tỷ đồng. Bà con cũng đã thu xếp trả nợ hơn 25 tỷ đồng theo đúng cam kết.
Không riêng Can Lộc mà hàng chục nghìn em học sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh đều được vay vốn của NHCSXH để tiếp tục ước mơ giảng đường. Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, Lưu Văn Minh, chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2010 - 2015) đã có hơn 46 nghìn HSSV trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập với số vốn vay luân chuyển lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khá lớn trong số dư cho vay của NHCSXH Hà Tĩnh.
Phát huy đồng vốn “mồi”
Cũng theo Giám đốc Lưu Văn Minh, nguồn vốn cho HSSV vay là một trong số 15 chương trình mà NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện trên địa bàn. Trong 5 năm qua (2010 - 2015), tổng nguồn vốn đến nay đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm 2010, tốc độ tăng bình quân là 16,5%/năm. Tổng dư nợ đến hết quý I/2015 đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 1.483 tỷ đồng (tăng gấp 1,8 lần) so với năm 2010, với hơn 131 nghìn lượt hộ vay đang thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 5 năm qua đã góp phần tạo việc làm cho gần 63 nghìn lao động; gần 47 nghìn hộ thoát ngưỡng nghèo, hơn 46 nghìn hộ cải thiện đời sống; xây dựng gần 64 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn. Không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, NHCSXH Hà Tĩnh còn góp sức xây dựng, sửa chữa hơn 10 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và gần 1.000 hộ nghèo sống ở vùng lũ vay tiền làm nhà vượt lũ.
Gia đình chị Lê Thị Thơm ở xóm 13, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê là một ví dụ. Gia cảnh khó khăn, bao năm chịu trận với mưa lũ, chị chỉ mơ ước có một ngôi nhà vững chắc. Đầu năm 2015, gia đình chị được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện Hương Khê cùng 20 triệu đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách và MTTQ tỉnh và sự hỗ trợ của cộng đồng, để làm ngôi nhà vượt lũ trị giá hơn 50 triệu đồng. Lãnh đạo NHCSXH huyện Hương Khê cho biết, nhờ vốn vay 15 triệu đồng của NHCSXH làm “mồi“ mà hơn 133 hộ nghèo ở Hương Khê đã làm nhà vượt lũ trị giá từ 50 đến 80 triệu đồng, nhiều nhà trị giá 100 - 120 triệu đồng. Từ đó, bà con vùng lũ yên tâm ổn định cuộc sống.
Đánh giá về hiệu quả của đồng vốn vay ưu đãi, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều vùng quê, nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống; đồng thời góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới tại các vùng quê, làm cho bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh thêm khởi sắc.
Bài và ảnh Thành Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Góp phần giảm nghèo nơi biên cương địa đầu Tổ quốc
- » Tín dụng chính sách góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở Cư Kuin
- » Phú Thọ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » HSSV Y khoa khó khăn vẫn có thể được vay vốn ưu đãi sau khi tốt nghiệp
- » Hội CCB xã Long Điền A quản lý đồng vốn hiệu quả
- » Giúp hộ chính sách vay vốn làm ăn
- » Động lực giúp hộ nghèo vươn lên khá giả
- » Điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Bước đột phá ở Nam Giang