Kiệt Sơn nỗ lực giảm nghèo
Năm 2010, gia đình chị Hà Thị Thúy Yêu ở khu 4, xã Kiệt Sơn được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo từ NHCSXH huyện. Có vốn, chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua 1 cặp bê và lợn giống. Nhờ chăm chỉ làm ăn, biết tính toán và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả nên sau 3 năm, gia đình chị từ một hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, trả hết vốn vay cho ngân hàng. Hiện, gia đình chị có tới 7 con bò và trên 10 con lợn thịt, thu nhập tới 50 triệu đồng/năm.
Năm 2009, gia đình anh Hà Ngọc Tân ở khu 2, xã Kiệt Sơn rơi vào hoàn cảnh lao đao, túng quẫn khi niềm hy vọng lớn nhất của anh chị là con bò sắp sinh sản đột ngột chết do nhiễm bệnh. Năm 2014, anh được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, cộng với số tiền vay mượn của anh em, bạn bè, anh đầu tư mở rộng chuồng trại, mua bò về nuôi. Anh còn cải tạo và mở rộng diện tích trồng chè, anh trồng mới được trên 3 sào chè với giống chè cành PH1. Hiện gia đình anh đang nuôi 6 con bò và 7 sào chè, trong đó có 4 sào đang cho thu hoạch, dự kiến sang năm gia đình anh Tân sẽ trả hết nợ và thoát nghèo. Anh Hà Ngọc Tân cho biết: Gia đình thuộc hộ nghèo, được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, từ ngày có nguồn vốn này, gia đình tôi đã đầu tư phát triển chăn nuôi, cuộc sống dần dần đi vào ổn định. Gia đình tôi cố gắng đến cuối năm 2016 sẽ thoát nghèo và trả được nợ cho Nhà nước.
Xã Kiệt Sơn có tổng số 314/833 hộ thuộc diện nghèo chiếm 37,69%, trong đó hộ nghèo là người DTTS chiếm 92,3%. Kiệt Sơn được đánh giá là xã có tỷ lệ giảm nghèo bền vững đứng trong tốp đầu của huyện Tân Sơn, tỷ lệ số hộ nghèo giảm bình quân 4 -5% mỗi năm, không còn tình trạng tái nghèo. Hiện tổng dư nợ các nguồn vốn vay của NHCSXH huyện trên địa bàn xã đạt trên 13,8 tỷ đồng. Nguồn vốn này được thông qua các tổ chức ủy thác là các ban, ngành, đoàn thể và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khu dân cư. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, người dân đã sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn, Hoàng Thị Anh Đào cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác truyền thông để cho bà con nhân dân tự cố gắng vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của gia đình mình; tạo điều kiện học nghề, xuất khẩu lao động để người dân thoát nghèo. Đặc biệt là tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, làm ăn vươn lên khá giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Kiệt Sơn trong những năm gần đây giảm mạnh và thực sự bền vững.
Mai Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nâng bước trò nghèo
- » Quảng Nam với các chương trình tín dụng giảm nghèo bền vững
- » Vì chất lượng cuộc sống
- » Giúp nông dân nghèo tậu “đầu cơ nghiệp”
- » Vốn chính sách trên vùng cao biên giới Cao Bằng
- » “Tiếp sức” để đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng cho bà con dân nghèo
- » “Bà đỡ” của người nghèo
- » Góp phần giảm nghèo nơi biên cương địa đầu Tổ quốc
- » Tín dụng chính sách góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở Cư Kuin