Cởi “nút thắt” để nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch

18/11/2015
(VBSP News) Chương trình tín dụng NS&VSMTNT là chương trình lớn được NHCSXH triển khai thực hiện từ năm 2004, đến nay đã được hơn 10 năm. Tính đến hết tháng 9/2015 doanh số cho vay của chương trình đạt 31.718 tỷ đồng với hơn 4,3 triệu lượt hộ vay vốn. Chương trình luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.
Niềm vui có nguồn nước sạch để dùng đã đến với người dân ở những vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng

Niềm vui có nguồn nước sạch để dùng đã đến với người dân ở những vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng

Theo báo cáo mới nhất của các Bộ, ngành liên quan cho thấy, hiện mới chỉ có 80% dân số đô thị dùng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, 85% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh, nhưng chỉ khoảng 42% đạt quy chuẩn. Vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch về vệ sinh môi trường.

Khó khăn đầu tiên vẫn là nhận thức của người dân sống ở vùng nông thôn xung quanh câu chuyện lợi ích trong việc sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn - nơi trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe và đời sống thường ngày.

“Trước kia dùng nước giếng khoan bị ô nhiễm mạch nước ngầm, các thành viên trong gia đình tôi thường mắc các bệnh về đường ruột và đau mắt. Từ khi vay được tiền ưu đãi của Chính phủ về xây dựng bể chứa nước mưa và bắc đường ống dẫn nước sạch về nhà, mọi người trong gia đình tôi thấy khỏe hơn, bệnh tật không còn nữa. Tôi cũng đã vận động bà con trong thôn chủ động đề xuất với NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để xây dựng bể chứa nước sạch và làm nhà tiêu hợp vệ sinh nữa”. Đó là những chia sẻ khi sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả của chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Nghĩa Lộ, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) khi chúng tôi đến thăm các công trình của gia đình.

Những năm trước gia đình chị Thành và bà con nhân dân trong thôn chủ yếu dùng nước giếng khoan tự lọc để sinh hoạt, mặc dù có biết về chương trình nước sạch, vệ sinh do địa phương tuyên truyền nhưng tự cảm thấy không cần thiết phải thay đổi. Cho đến năm 2013, chỉ khi thấy rõ nguồn nước giếng khoan bị nhiễm hoá chất từ những làng nghề lân cận không đảm bảo cho sức khoẻ, đồng thời được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích rõ về lợi ích của việc dùng nước sạch và vệ sinh theo tiêu chuẩn, chị đã tự tin đứng đơn xin vay NHCSXH huyện, lúc đó là 8 triệu đồng để xây nhà vệ sinh và mua đường ống dẫn nguồn nước sạch về nhà.

Bà con nông dân ở các làng quê Hưng Yên rất phấn khởi khi đến Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH nhận vốn vay về cải tạo, xây mới các công trình NS&VSMT

Bà con nông dân ở các làng quê Hưng Yên rất phấn khởi khi đến Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH nhận vốn vay về cải tạo, xây mới các công trình NS&VSMT

Bên cạnh vấn đề về nhận thức, mức cho vay của chương trình cũng chưa khuyến khích được người dân. Mặc dù mức vay đã được nâng từ 4 triệu đồng/công trình lên 6 triệu đồng/công trình/hộ (mỗi hộ được vay tối đa 12 triệu đồng/2 công trình) nhưng còn thấp so với nhu cầu hộ dân và chi phí nguyên vật liệu để xây dựng các công trình tại thời điểm hiện nay. Ông Ngô Hồng Sơn ở thôn Cầu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho hay, số tiền 12 triệu đồng mà gia đình ông vay từ chương trình NS&VSMTNT của NHCSXH thực sự chưa thấm vào đâu so với tổng số tiền đầu tư hơn 50 triệu đồng của gia đình. Tại địa phương ông ở chưa có Trạm cung cấp nước sạch quy mô, hầu hết các gia đình vẫn dùng nước giếng khoan, đầu tư mua bộ lọc tiêu chuẩn, nhưng riêng tiền công khoan giếng ở độ sâu 75m cũng tốn chi phí tới 10 triệu đồng. Nếu khoan sâu 10m thì nước sẽ không đảm bảo vệ sinh, chưa kể tiền mua nguyên vật liệu xây bể và máy bơm… Đối với những hộ khó khăn phải xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay ưu đãi thì thường công trình không bảo đảm chất lượng, hoặc một thời gian sau xuống cấp, hộ vay sẽ không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện công trình.

Những khó khăn trên phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của chương trình. Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân chia sẻ: “Chương trình cho vay NS&VSMTNT tại đơn vị hiện có dư nợ trên 553 tỷ đồng, với 61.366 hộ vay. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở Hưng Yên đã tăng đến trên 90%, tuy nhiên vẫn còn một số hộ gia đình còn đắn đo chưa vay vì nhận thức và cả vấn đề chi phí nữa”.

Mong rằng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông dưới mọi hình thức tới người dân về chương trình tín dụng nước sạch; đồng thời, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi tại NHCSXH, cần huy động nguồn vốn khác như chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn sự nghiệp, xã hội hóa để đầu tư các công trình nước sạch nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Minh Hoàng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác