Thừa Thiên - Huế nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

19/11/2015
(VBSP News) Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chuyển biến tích cực.
Nông dân nghèo tỉnh Thừa Thiên - Huế sử dụng vốn vay ưu đãi vào trồng rau màu

Nông dân nghèo tỉnh Thừa Thiên - Huế sử dụng vốn vay ưu đãi vào trồng rau màu

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Để thực hiện tốt Chỉ thị này, ngày 16/4/2015, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản số 1351-CV/TU, trong đó nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch thường xuyên của các cấp ủy Đảng. Chỉ thị đề cập việc địa phương ưu tiên nguồn vốn vào một đầu mối là NHCSXH, bởi sự “góp sức” này không chỉ là trách nhiệm xã hội mà tạo đuợc sự đồng thuận trong chỉ đạo từ TW đến cơ sở. Theo đó, tháng 5/2015 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chuyển 4 tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Đây được xem là việc làm thiết thực, có ý nghĩa khi đời sống của các đối tuợng thụ huởng theo quy định của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi UBND tỉnh “đi đầu” trong việc thực hiện Chỉ thị thì huyện A Lưới, mặc dù là một huyện nghèo, ngân sách còn eo hẹp nhưng cũng dành 300 triệu đồng chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho các hộ dân tại xã A Roàng vay trồng cao su.

Một nét mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban đại diện HĐQT NHCSXH là Chủ tịch UBND cấp xã được đưa vào Ban đại diện cấp huyện để gắn trách nhiệm trong việc triển khai các kế hoạch cũng như đôn đốc việc cho vay và thu hồi nợ. Công tác bố trí nơi làm việc cho cán bộ tín dụng và bà con khi đến giao dịch cũng được các cấp ủy Đảng quan tâm hơn. Theo ông Trần Minh Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Trước đây, địa điểm giao dịch thường phụ thuộc vào lịch làm việc của UBND xã nên bà con đến gặp không ít khó khăn, nhưng nay đuợc sự quan tâm của cấp ủy, nơi giao dịch được bố trí ở hội trường rộng rãi, thuận lợi hơn”.

Hiện, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi có tổng dư nợ là 1.780 tỷ đồng với hơn 98 nghìn hộ còn dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã cho hơn 25 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,25%, giảm 0,05% so với đầu năm.

Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tại Thừa Thiên - Huế bước đầu đem lại những chuyển biến tích cực cho hoạt động tín dụng chính sách.

Thành công bước đầu

Bà Trần Thị Xa ở thôn Cao Đôi, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, một trong những hộ vay vốn bộc bạch: “Đồng vốn vay từ NHCSXH không những tạo đà cho bà con nông dân chúng tôi vượt qua nghèo khó mà còn góp phần làm thay đổi cách làm lâu nay của bà con. Từ việc thụ động trong canh tác ruộng vườn, chăn nuôi thì nay chúng tôi đã biết cách lựa chọn những mô hình kinh tế phù họp để đầu tư đạt hiệu quả hơn”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trương Công Lân cho biết, sau khi Ban Bí thư TW Đảng có Chỉ thị 40 thì vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Các cấp hội, đoàn thể đã quan tâm hơn đến chất lượng tín dụng ủy thác, đến chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Công tác củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được quan tâm và thực hiện thuờng xuyên; công tác xử lý nợ bị rủi ro tiếp tục được quan tâm đúng mức. Hoạt động giao dịch tại xã đã có bước chuyển biến mới, các đơn vị trong chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầy đủ các nội dung về giao dịch tại xã, phân định rõ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi ngành, từ đó nâng cao năng lực quản lý vốn vay, tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại Thừa Thiên - Huế vẫn còn một số tồn tại khi một số chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể chưa thật sự coi trọng công tác tuyên truyền, vận động về quyền lợi và nghĩa vụ của người vay theo nguyên tắc “có vay, có trả” nên vẫn còn một bộ phận hộ dân có suy nghĩ đây là nguồn vốn “cho không” và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chây ỳ trả nợ. Một số nơi  cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thật sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách dẫn đến chất lượng có nơi chưa tốt, công tác xử lý nợ quá hạn một số nơi vẫn chưa đạt hiệu quả cao…

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40, Giám đốc Trương Công Lân cho hay, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để mọi người dân biết và cùng thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, tạo điều kiện cho hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Bài và ảnh Công Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác