Góp phần giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi

30/11/2015
(VBSP News) Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư thông qua Nghị quyết 30a của Chính phủ. Qua 6 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn các huyện miền núi của tỉnh đã có những sự đổi thay tích cực. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp cơ bản, góp phần rất lớn trong công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.
Đưa mía lên đất gò đồi, mô hình giảm nghèo hiệu quả tại huyện Ba Tơ

Đưa mía lên đất gò đồi, mô hình giảm nghèo hiệu quả tại huyện Ba Tơ

Trong 6 năm (2009 - 2014), tỉnh Quảng Ngãi được TW hỗ trợ 1.444 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a cho 6 huyện nghèo trên địa bàn, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 1.121 tỷ đồng, Vốn sự nghiệp hơn 323 tỷ đồng. Ngoài ra, TW cũng đã phân bổ trên 595 tỷ đồng để thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo khác.

Để có thể giảm nghèo nhanh và bền vững, Quảng Ngãi chủ trương thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư cùng lúc, như Chương trình 30a, 135, 134…Nhờ vậy mà người dân được hưởng lợi, rút ngắn về mặt thời gian, quá trình đầu tư, tạo ra sự thay đổi căn bản trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ở các vùng khó khăn. Cụ thể, từ nguồn vốn hỗ trợ của TW và nguồn vốn huy động khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng 254 công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, nhà văn hoá,… thuộc Chương trình 30a; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 262 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; đầu tư 351 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 43 xã và 31 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nghị quyết 30a, các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề gắn với việc làm tại chỗ cho 3.271 lao động. Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã tìm được việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, có 1.325 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có thu nhập ổn định và gửi về cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tận dụng tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH là cách làm thiết thực của Quảng Ngãi.Nhiều năm qua các huyện ở miền núi đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, với sản lượng hàng hóa khá lớn, như cây mía, cây mì, rừng quế và rừng keo nguyên liệu. Các cây này không chỉ khai thác, cải tạo được diện tích đất trồng, thích hợp với thổ nhưỡng mà còn phù hợp với trình độ người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Phạm Văn Mật ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh là một trong những hộ nghèo có “thâm niên” của huyện Ba Tơ. Với quyết tâm vượt qua cái nghèo, năm 2006 anh vay NHCSXH 10 triệu đồng. Sau nhiều năm khai hoang và phát triển diện tích trồng keo, hiện nay anh đã có 5ha keo, 4ha mía thu nhập gần 60 triệu đồng/năm.

Tại huyện Sơn Hà, sau khi triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo được Nhà nước đầu tư, NHCSXH cho vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi diện mạo của huyện đã và đang có những chuyển biến tích cực. Ngay ở những buôn làng xa xôi nhất, những trang trại nhỏ, những mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả của hộ gia đình xuất hiện ngày càng nhiều. Chị Đinh Thị Sen ở thôn Làng Đèo, xã Sơn Trung là ví dụ điển hình. Năm 2013, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để cải tạo đất hoang tăng diện tích trồng trọt, nuôi thêm heo, trâu, vịt gà… Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Có thể khẳng định, với sự “trợ lực” từ Chương trình 30a đã góp phần quan trọng giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn 6 huyện miền núi của tỉnh. Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Các chính sách giảm nghèo đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến đáng kể đối với cuộc sống người dân. Bình quân hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo của tỉnh giảm 6,3%, đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện nghèo giảm từ 60,87% trong năm 2010 xuống còn 34,82% vào năm 2014. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 22 - 27%; lao động có việc làm đạt 19 - 24%. Hạ tầng cơ sở tại các huyện nghèo được đầu tư đồng bộ để đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa đạt 100%.

Tuy nhiên, đời sống của người dân vùng miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, 6 huyện nghèo của tỉnh rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của cả xã hội để người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác