Phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi

10/12/2015
(VBSP News) Xín Mần là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang. Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đã giúp người dân nơi đây có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất.
Từ đồng vốn vay ưu đãi, gia đình anh Thào Vàng Pao có điều kiện mở rộng chăn nuôi

Từ đồng vốn vay ưu đãi, gia đình anh Thào Vàng Pao có điều kiện mở rộng chăn nuôi

Thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo phát triển kinh tế, thời gian qua, NHCSXH huyện Xín Mần đã phối hợp với các cấp, ngành và các xã làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nguồn vốn vay đối với người dân. Để bà con tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, NHCSXH huyện đã chủ động cho vay kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thông qua các Điểm giao dịch tại xã. Việc cho vay được họp bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn thật sự đến tận tay người cần vốn.

Đến hết tháng 9/2015, doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 24 tỷ đồng với 1.223 hộ được vay, nâng tổng dư nợ lên trên 183 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch năm. Nguồn vốn chính sách góp phần quan trọng  trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm huyện Xín Mần giảm được 7,6% hộ nghèo, tổng số hộ nghèo giảm từ năm 2011 đến hết năm 2014 là gần 4.300 hộ, ước hết năm 2015 giảm 5.121 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%.

Đến thăm gia đình anh Thào Vàng Pao, dân tộc Mông ở thôn La Chí Chải, xã Nàn Ma mới thấy được nguồn vốn vay ưu đãi có tác dụng lớn đối với giảm nghèo. Ngôi nhà mới vừa được xây dựng, có đủ tiện nghi giá trị cao, ngoài chuồng lợn lúc nào cũng có từ 30 - 40 con và hơn 100 đôi chim bồ câu… Ít ai tin rằng cách đây mới 3 năm, gia đình anh Thào là một trong những hộ nghèo nhất xã.

Anh Thào kể: “Kinh tế gia đình trước đây chủ yếu trông chờ vào trồng lúa, năm được mùa thì mới đủ ăn, nên việc mua con trâu, con lợn về nuôi cũng là chuyện quá khó. Năm 2012, được vay 20 triệu đồng vốn để mua lợn và chim bồ câu về nuôi. Thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2014, gia đình lại vay thêm 30 triệu đồng sửa chữa chuồng trại, mua thêm lợn, bò về nuôi”.

Không chỉ đầu tư vốn vay cho chăn nuôi, gia đình anh còn trồng thêm dong riềng, cây chuối làm thức ăn cho bò, lợn để giảm chi phí chăn nuôi và thu nhập thêm từ củ dong riềng và quả chuối. Từ hộ nghèo lâu năm, đến nay kinh tế gia đình anh đã khá giả, có của ăn, của để cuộc sống ngày càng nâng lên, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học.

Hay như hộ chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Cốc Cam, xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần. Khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2007, chị Loan vay vốn chính sách về đầu tư chuồng trại và mua 1 con trâu, bò và đôi dê về nuôi, với phương châm lấy ngắn nuôi dài và tận dụng quỹ đất hoang hóa để trồng cỏ chăn nuôi, ngoài ra chị còn sử dụng các loại lá cây, rơm rạ để làm thức ăn cho trâu bò. Đến nay sau nhiều năm nỗ lực cố gắng gia đình chị có trên chục con trâu, bò, dê, hàng năm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Giám đốc NHCSXH huyện Xín Mần, Trần Thanh Vĩ cho biết, qua kiểm tra sử dụng nguồn vốn của hộ vay, hầu hết các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đang phát huy hiệu quả, nhiều hộ đang từng bước ổn định và được nâng cao. Tuy nhiên, do hoạt động trên địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác, nên việc lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi hay trồng trọt như thế nào để sớm phát huy hiệu quả của vốn vay, sớm có thu nhập thì cũng là khó khăn lớn.

“Để công tác giảm nghèo của huyện Xín Mần, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS thực sự bền vững, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hướng dẫn, áp dụng KHKT vào canh tác, định hướng cho đồng bào lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có như vậy nguồn vốn vay mới phát huy được hiệu quả cao nhất, công tác giảm nghèo mới thực sự hiệu quả, bền vững”, Giám đốc Trần Thanh Vĩ thông tin.

Bài và ảnh Trúc Quỳnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác